Hà Nội: Xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Chử Xuân Dũng vừa đề nghị “Xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích”, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ.
van_mieu_quoc_tu_giam.jpg
Di tích Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. 

Bài toán giữa bảo tồn và phát triển

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống di tích đa dạng, phong phú và đặc sắc.

Sở hữu hơn 5.900 di tích, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long); 13 di tích, cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; hơn 1.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia và hơn 1.200 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố.

Di tích Hà Nội là sự giao thoa của văn hóa kẻ chợ và văn hóa xứ Đoài, vừa sở hữu những kinh thành tráng lệ thời kỳ phong kiến vừa giữ trong mình vẻ đẹp của hàng nghìn di sản đình chùa, vốn là nơi thực hành tín ngưỡng của người dân qua hàng trăm năm.

Hà Nội còn sở hữu những di sản dù chưa được xếp hạng nhưng cũng được tính vào danh mục bảo vệ, làm nên vẻ đẹp kiến trúc rất riêng, đó là những công trình được xây dựng trước năm 1930 như: Cầu Long Biên, Nhà hát lớn Hà Nội, khu phố cổ, biệt thự kiểu Pháp… Tất cả góp phần tạo dựng để Hà Nội là thành phố di sản.

Nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, Hà Nội hiện có số lượng di tích đồ sộ, nhưng kết quả nghiên cứu xếp hạng di tích chưa tương xứng, còn trên 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử văn hóa.

Hà Nội đã cố gắng tối đa trong việc huy động các nguồn lực cho việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia - GS.TSKH Lưu Trần Tiêu nhận định, Hà Nội đã có những giải pháp vừa giữ gìn, vừa phát huy được giá trị di tích dưới các hình thức bảo tồn phù hợp, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện của không gian đô thị.

Hà Nội đã bảo tồn rất tốt khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Các hố khai quật và các tài liệu hiện vật khai quật được giới thiệu tới công chúng như là một “bảo tàng ngoài trời” vừa phục vụ công tác nghiên cứu, vừa thu hút khách tham quan du lịch, lại xây dựng được Nhà Quốc hội trong Khu Trung tâm chính trị Ba Đình lịch sử.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng còn gặp phải rất nhiều vấn đề trong quá trình bảo tồn di tích. Đó không chỉ là bài toán xung đột giữa bảo tồn và phát triển mà còn là vấn đề thấu hiểu hết giá trị di sản để có cách ứng xử, đầu tư gìn giữ cho phù hợp. Nếu có một đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn Hà Nội thì rất có ý nghĩa.

di-tich.jpg
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích luôn được cấp ủy, chính quyền từ Thành phố tới cơ sở quan tâm, đầu tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các di tích thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý được thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị, trung bình mỗi năm (từ 2015 đến nay), Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, thu về hàng chục tỷ đồng.

Trong khi đó, tại các quận, huyện, thị xã, việc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công được quan tâm, chú trọng, nhờ đó, đã triển khai kịp thời và tương đối đồng bộ các biện pháp quản lý di tích tại cơ sở.

Các văn bản quản lý nhà nước từ trung ương tới đến Thành phố được truyền tải đầy đủ. Các di tích cơ bản đều có Ban quản lý. Nhiều quận, huyện chủ động lập và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn cũng như phối hợp mở lớp tập huấn nâng cao công tác quản lý, bảo vệ di tích.

Tháo gỡ những vướng mắc trong tu bổ, tôn tạo

Bên cạnh những kết quả, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố còn một số khó khăn, hạn chế. Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, quận, huyện và những người trực tiếp tham gia bảo vệ, trông coi di tích đã cho ý kiến về thực trạng công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn đồng thời kiến nghị những sáng kiến, giải pháp, để triển khai có hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, cuộc họp nhằm huy động sáng kiến, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố thời gian qua.

Các đơn vị trên địa bàn tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố Hà Nội về việc Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp Thành phố.

chu-xuan-dung.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng mong muốn huy động sáng kiến, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tu bổ, tôn tạo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng nêu rõ, nhiệm vụ tu bổ, tôn di tích đặc biệt hơn hẳn, do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị, ngành văn hóa Thủ đô khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ.

Thành lập Ban chỉ đạo công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội; thành lập Tổ công tác giúp việc, thường xuyên kiểm soát, nắp bắt tình hình và đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn với địa phương.

Các đơn vị hoàn thành công tác kiểm kê và đẩy nhanh số hóa di tích. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, có chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở.

Theo Đời sống
back to top