Hà Nội vào cuộc kiểm soát chất lượng không khí

(khoahocdoisong.vn) - Chiều 19/12,  Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nhạy cảm!!?

Chiều 19/12,  Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Y tế và UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội và TPHCM

Điều đáng nói, đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí có mặt tại cuộc họp do Bộ TNMT tổ chức chiều 19/12, đều được mời ra ngoài sau ít phút đầu khai mạc.  Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chỉ đạo: “Đây là cuộc họp bàn về vấn đề nóng, nhiều ý kiến chuyên môn được đưa ra phân tích. Để các đại diện không bị phân tâm, ảnh hưởng, tôi đề nghị sau 15 phút đầu, mời phóng viên báo chí ra khỏi phòng họp. Tất cả thông tin kết luận sẽ được chúng tôi gửi tới phóng viên một cách đầy đủ chính xác”.

Tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ TNMT yêu cầu đại diện bộ ngành xác định chính xác thực trạng, nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí. Theo ông, vấn đề ô nhiễm không khí rất cấp bách, nghiêm trọng và nhạy cảm. Tất cả những thông tin này phải được cung cấp đầy đủ kỹ lưỡng chính xác thông tin tới người dân. Thông tin không chính xác sẽ tạo ra những lo ngại không cần thiết đối với người dân hoặc bị lợi dụng để ảnh hưởng mất an ninh trật tự xã hội.

Cần có kế hoạch hành động quốc gia

Ông Tạ Ngọc Sơn, Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, thành phố đang triển khai nhiều đề án để cải thiện chất lượng không khí.  Đó là các đề án về chống ồn, chống bụi; tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm; thu gom, xử lý chất thải nguy hại, bao gồm chất thải y tế; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Trong mỗi đề án đều có các giải pháp cụ thể. Đơn cử trước mắt, vận động người dân thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến. Các đoàn kiểm tra cũng về từng huyện ngoại thành để kêu gọi người dân hạn chế đốt rơm rạ.

Tới đây, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông. Ngành giao thông thủ đô cũng tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc (đến nay đã xây dựng 12 cầu vượt trị giá hơn 3.000 tỷ đồng); tổ chức lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ...  Về hoạt động xây dựng, các công trình được bắt buộc che chắn, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường xung quanh; xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường...

Hạn chế giao thông, cấm đốt than tổ ong...

Theo nghiên cứu của TS Nghiêm Trung Dũng, ĐH Bách khoa Hà Nội và TS Nguyễn Thị Yến Liên, ĐH Giao thông Vận tải thì 40% bụi PM 2.5 đến từ giao thông vận tải, trong đó 10% là từ xe chạy dầu diezel. Xe máy là “thủ phạm” phát thải nhiên liệu lớn nhất nhưng lại không được kiểm soát khí thải. Ngoài ra, tình trạng tắc đường, các xe di chuyển chậm, tốc độ không ổn định cũng làm phát thải ô nhiễm cao hơn. Đã đến lúc phải chuyển đổi nhiên liệu, thắt chặt tiêu chí phát thải, tăng cường phương tiện công cộng...

Một trong những nguồn gây ô nhiễm khác là việc đốt than tổ ong. Theo lộ trình, năm 2021 Hà Nội sẽ cấm hoàn toàn việc đốt than tổ ong. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc này không dễ nếu chưa có loại nhiên liệu thay thế. Bởi than tổ ong gắn với mưu sinh, miếng cơm manh áo của nhiều người lao động, là giải pháp nhiên liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho họ.

PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường (Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, dù có nhiều giải pháp đi chăng nữa mà người dân chưa nhận thức và chưa có phương án hiệu quả kinh tế hơn thì chắc chắn khó mà đạt được mục tiêu. Để thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn, Nhà nước cần rõ ràng với người dân về tính hiệu quả môi trường, hiệu quả kinh tế và cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bếp than thân thiện môi trường thì người dân mới có thể an tâm thay thế, sử dụng. 

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, việc cải thiện chất lượng không khí phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ. Bắc Kinh (Trung Quốc) mất nhiều năm để nỗ lực thoát nhóm ô nhiễm nhất thế giới. Các đô thị khác không thể mong muốn hôm nay làm, ngày mai không khí đã tốt ngay được.  Hà Nội nên đặt ra các mục tiêu cho từng nguồn phát thải cụ thể. Với nguồn phát nội đô, Hà Nội cần đề ra chính sách kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng và xe bus dùng nhiên liệu sạch.

Tại cuộc họp về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiều 18/12, lãnh đạo nhiều quận đã đề nghị thành phố cho xe phun nước, rửa đường tại những tuyến phố có lượng giao thông lớn nhằm giảm ô nhiễm không khí.  Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức rửa đường ngay trong tuần này, đồng thời đề nghị Urenco (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) cải tiến đầu phun nước ở các xe rửa đường đảm bảo khoa học, hiệu quả. Trước đó, hoạt động rửa đường phố ở Hà Nội đã dừng từ tháng 2/2017.

Theo Đời sống
back to top