Hà Nội: Nín thở bên mương Đồng Bông

(khoahocdoisong.vn) - Mương Đồng Bông, đoạn qua phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy - Hà Nội) đã và đang tra tấn người đi đường cùng hàng vạn người dân sống xung quanh bởi mùi hôi thối ô nhiễm.  

“Bức tử” mương Đồng Bông

Người dân sống tại ngõ 11, 15, 28, 76 Duy Tân và đặc biệt là tại ngõ 107 Trần Quốc Vượng, phường Dịch Vọng Hậu nói rằng, họ phải sống chung với mùi xú uế từ con mương này cả chục năm nay. Sống giữa đô thị văn minh, nhưng người ta ngỡ tưởng sống trong “xóm liều” khi cứ phải nín thở, bịt mũi.

Quanh năm suốt tháng, dòng nước mương Đồng Bông luôn chỉ có một màu đen đục, nhiều vị trí đóng váng thành từng tảng. Mùi xú uế cũng từ đó bốc lên mỗi ngày thêm nồng nặc. Được biết, toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt, vệ sinh từ các khu dân cư xung quanh đều xả trực tiếp xuống mương Đồng Bông. Ngay cả những nhà hàng ăn uống lẫn các xưởng sửa chữa cũng xả nước ra mương mà không qua hệ thống xử lý hay tách dầu mỡ theo như quy định.

Mương Đồng Bông đang bị ô nhiễm nặng nề.

Mương Đồng Bông đang bị ô nhiễm nặng nề.

Trên cầu phố Tôn Thất Thuyết, một lượng rác ứ đọng đã lâu tọa ngay phía trên con mương. Theo tìm hiểu, lượng rác này thuộc địa bàn quản lý của phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm) nhưng không hiểu sao đơn vị thu gom rác là Công ty Minh Quân lại không chuyển đi.

Hai bên mương Đồng Bông cũng không thiếu rác. Từ rác thải sinh hoạt đến bàn ghế cũ hỏng, bao tải chứa phế phẩm xây dựng, chai lọ, kính vỡ, cành cây khô xếp đống la liệt dọc con mương. Người dân cho rằng, tuy bây giờ rác ít hơn trước nhưng lượng rác tồn không chuyển đi phân hủy càng ô nhiễm hơn.

Khu vực phía dưới lòng mương Đồng Bông dù đã có biển cấm của đơn vị Công ty thoát nước thành phố không vứt rác. Tuy nhiên, biển cấm này dường như không phát huy tác dụng. Bởi hàng ngày, rác thải là các loại túi nilon, chai nhựa, thức ăn thừa, thậm chí là cả động vật chết vẫn được những người dân thiếu ý thức vứt bừa bãi xuống mương. 

Rác thải các loại trên cầu qua mương.

Rác thải các loại trên cầu qua mương.

Đóng cửa “ngăn mùi”

Cùng với đó, góp phần cho mương nước Đồng Bông thêm phần ô nhiễm nghiêm trọng là các dịch vụ rửa xe mọc lên như nấm. Hàng loạt các nhà tạm có kết cấu khung sắt, mái tôn cũng được dựng lên dọc hai bờ mương để cho thuê làm cơ sở buôn bán phế liệu, sắt vụn, gara ô tô, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, giải khát và nhiều dịch vụ khác…

Đáng chú ý là sát cạnh mương Đồng Bông là một bãi tập kết vật liệu xây dựng gồm gạch, cát, đá sỏi… với số lượng lớn. “Bãi tập kết này đã tồn tại một thời gian dài nhưng không bị xử lý. Lượng vật liệu rơi vãi xuống mương cũng không phải ít. Vì thường xuyên vận chuyển vật liệu ra vào nên mặt đường ven mương đang xuống cấp nghiêm trọng”, một người dân cho biết.

Nhiều hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, trông giữ xe cạnh mương Đồng Bông.

Nhiều hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, trông giữ xe cạnh mương Đồng Bông.

Đường Duy Tân, đường Dịch Vọng Hậu tập trung nhiều địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, vào những ngày thời tiết nắng nóng, mùi xú uế từ con mương bốc lên khiến các hộ dân lẫn hộ kinh doanh phải đóng cửa kín mít cả ngày nhằm “ngăn” không cho mùi hôi thối xâm nhập vào trong nhà.

Ngày nắng đã khổ, những ngày trời mưa còn khổ hơn dòng nước đen ngòm từ mương nước Đồng Bông tắc nghẽn không chảy kịp dâng lên, mang theo bùn đất và rác thải chảy tràn vào nhà làm cho cuộc sống, cũng như sinh hoạt của bà con nhân dân quanh đây bị đảo lộn. 

Tuy rác dưới mương đã sạch nhưng vì nguồn nước không qua xử lý nên đóng váng, bốc mùi.

Tuy rác dưới mương đã sạch nhưng vì nguồn nước không qua xử lý nên đóng váng, bốc mùi.

Sau 10 năm, dự án vẫn nằm trên giấy

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm của mương nước Đồng Bông người dân khu vực đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị trong các cuộc họp tổ dân phố, các cuộc tiếp xúc cử chi từ cấp thành phố, cấp quận cho tới cấp phường. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có biện pháp triệt để giảm thiểu ô nhiễm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2008 UBND TP. Hà Nội đã đồng ý chủ trương xây dựng cống hóa mương nước nối từ đường Xuân Thủy ra khu Đồng Bông nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, kinh phí của dự án nói trên được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Cuối năm 2008, quận Cầu Giấy đã duyệt bản vẽ thi công 300m mương nước Đồng Bông để thực hiện dự án, đơn vị đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư An Khang. 

Người dân mong mỏi dự án cống hóa mương Đồng Bông để ô nhiễm được giảm thiểu.

Người dân mong mỏi dự án cống hóa mương Đồng Bông để ô nhiễm được giảm thiểu.

Dự án cống hóa mương thoát nước khu vực Đồng Bông sau đó cũng đã được các cơ quan chức năng sở tại thông báo rộng rãi tới nhân dân địa phương. Tuy vậy, từ đó đến nay, sau hàng chục năm mà dự án  vẫn không được triển khai. Người dân không hiểu đã có chuyện gì xảy ra với dự án này.

Theo đại diện chính quyền phường Dịch Vọng Hậu thì tuyến mương Đồng Bông đảm nhiệm tiêu thoát nước cho khu vực phường Quan Hoa, Dịch Vọng, Mai Dịch, Trung Hòa, Yên Hòa, khu Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, phố Lê Đức Thọ, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình... Đây là tuyến mương hở, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh và chưa có hệ thống xử lý nước thải.

“Đa số nguồn nước thải hiện nay đều xả thẳng ra mương không qua xử lý sơ bộ theo quy định trước khi thoát vào hệ thống thoát nước thành phố. Ngoài ra, một số nhà dân không có bể phốt, các khu chung cư gần đó lại không có trạm xử lý nhỏ... đã đổ xả trực tiếp xuống mương gây mùi hôi thối và ô nhiễm”, ông Tống Xuân Duy, Phó chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu. 

Theo Đời sống
Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Ngày 21/03, Chỉ huy Đội CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết đang xác minh, xử lý các phương tiện vi phạm sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí. Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kiểm tra, xử lý.
"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, tàu hết đăng kiểm vẫn hoạt động, xe chở cát có dấu hiệu "né" qua trạm cân,… là những nguyên nhân gây ra tình trạng "bát nháo" trong khai thác khoáng sản trên sông Krông Ana, Đắk Lắk.
back to top