Hà Nội: Nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản

Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những thách thức và cơ hội cho thị trường nông sản Hà Nội. Thực hiện kế hoạch số 193/KH-UBND, Hà Nội đã và đang cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản nhằm nâng cao năng lực chế biến, bảo quản, từ đó gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.
22.jpg
Toàn cảnh hội nghị "Giải pháp nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản của TP. Hà Nội".

Chưa xứng tầm quy mô Thủ đô

Thời tiết, dịch bệnh và Covid-19 đã tác động mạnh đến chuỗi sản xuất - cung ứng dẫn đến sản xuất nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng, bất ổn. Nhằm gia tăng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, ngày 26/5, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã phối hợp với Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội và Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức hội thảo "Giải pháp nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản của TP. Hà Nội". Để nâng cao năng lực chế biến nông sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và hàng nghìn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương.

Với dân số đông, thị trường lớn, tiềm năng lợi thế riêng,  các doanh nghiệp chế biến của Hà Nội đang mua số lượng lớn nông sản của nhiều tỉnh, thành phố để chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.

Tuy nhiên, mặc dù thị trường lớn, có nhiều điều kiện kết nối, hệ thống vận chuyển, kho bãi... thuận lợi nhưng chế biến nông sản của Hà Nội hiện vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ chế biến ở các hợp tác xã, hộ sản xuất còn lạc hậu, công suất thấp, chưa xứng tầm với quy mô thị trường của Thủ đô.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, sự hỗ trợ về công nghệ, của khu vực công nghiệp, dịch vụ cho nông nghiệp chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao, nhất là lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu nông sản.

Ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư cho chế biến, phát triển con giống…, ngành nông nghiệp Hà Nội cần củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp - nông thôn…

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề…

Đặc biệt, để thích ứng với điều kiện mới, vấn đề cần ưu tiên của Nông nghiệp Hà Nội là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu công nghệ cao, công nghệ số trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; đồng thời tăng cường sự kết nối, hình thành một nền nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng; nâng cao giá trị gia tăng…

bao-quan.jpg
Phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản thực phẩm là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Cùng quan điểm, OGS. TS Nguyễn Văn Khôi - Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản thực phẩm là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Để phát triển ngành nông nghiệp, vấn đề bảo quản chế biến phải đủ lớn. Do vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng KHCN vào chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Ứng dụng công nghệ cao vào chế biến và bảo quản

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ các biện pháp thực tế trong bảo quản và tiêu thụ nông sản. Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cho biết, công ty đầu tư vào vùng trồng, thu hoạch ngay đầu bờ đưa về nhà máy sấy, dùng công nghệ Đan Mạch bơm nitơ bảo quản, cách ly nông sản với côn trùng ngay từ đầu nên chất lượng nông sản được đảm bảo.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm 3Brothers (huyện Đông Anh) cũng chia sẻ, lương thực, thực phẩm là những mặt hàng có thời gian bảo quản ngắn, nên chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục hạn chế này. Chưa kể, sản phẩm chế biến còn cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với sản phẩm thô. Nhờ vậy, những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng hàng thực phẩm chế biến bán ra thị trường của công ty tăng 15-20%. Mặc dù sản phẩm ra đời đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp (năm 2020) nhưng nhờ nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà sản phẩm của công ty vẫn đạt doanh thu 5 tỉ đồng/năm.

bien-phap-bao-quan-nong-san-2.jpg
Nhiều doanh nghiệp  Hà Nội đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản…

Khẳng định, công nghiệp chế biến là một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản…, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Tuy nhiên, trong số hơn 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản, chỉ có 250 doanh nghiệp, còn lại là các hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể. Chủ yếu sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến tại Hà Nội là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%); mỗi tháng cung cấp khoảng 1.000 tấn sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm chế biến của thành phố hiện là 5.165 tấn/tháng…

Trong thời gian tới, cần quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với hệ thống chế biến; nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp gắn với hạ tầng thương mại tiêu thụ nông sản chế biến, đồng thời tiếp tục phát triển hệ thống logistics, dịch vụ phụ trợ hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cũng như nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho chế biến nông sản.

ong-tuong.jpg
Theo ông Tạ Văn Tường, đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao.

Theo ông Tạ Văn Tường, để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất đối với từng lĩnh vực và sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để có những điều chỉnh phù hợp.

Trước mắt, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; từng bước nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ với các cây trồng chủ lực như: Rau, cây ăn quả..; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, tăng thêm các cửa hàng, điểm bán và hình thành các nhóm tiêu thụ rau an toàn tại khu dân cư…

Cùng với đó sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, cơ cấu ngành chăn nuôi phù hợp với thực tiễn; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao.

Theo Đời sống
back to top