Hà Nội điều chỉnh xét nghiệm Covid-19: Từ ‘diện rộng’ sang ‘đúng đối tượng’?

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các trung tâm y tế, bệnh viện yêu cầu thực hiện công điện của Bộ Y tế, lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng, rà soát lấy mẫu 100% đối tượng ho, sốt, có triệu chứng Covid-19.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu xét nghiệm Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu xét nghiệm "đúng đối tương" theo công điện của Bộ Y tế - Ngọc Thắng
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu xét nghiệm "đúng đối tương" theo công điện của Bộ Y tế

Ngọc Thắng

Trong văn bản gửi các trung tâm y tế, bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu dựa trên tình hình dịch bệnh diễn biến tại địa phương, các đơn vị nghiên cứu thực hiện nội dụng theo Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15.9 của Bộ Y tế.  Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng.

Đặc biệt, rà soát lấy mẫu 100% các đối tượng có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác… Thực hiện rà soát đúng khu vực, đúng tần suất theo chỉ đạo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của thành phố.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết việc xét nghiệm được thực hiện tuỳ theo tình hình dịch tễ, cả đối tượng, khu vực nguy cơ và quy mô.

“Khi tình hình dịch tại Hà Nội không ước đoán được thì phải xét nghiệm rộng, để tránh bỏ sót. Vì nếu bỏ sót các ca dương tính ngoài cộng đồng thành các ổ dịch lây lan thì rất nguy hiểm. Có nhiều người nhiễm nhưng không biểu hiện triệu chứng, hoặc người mang Covid-19 đã di chuyển sang khu vực khác. Ví dụ như lần xét nghiệm vừa rồi vẫn phát hiện các ca dương tính ngay rìa ngoài các khu phong toả”, ông Việt nói.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng cho biết, việc thực hiện xét nghiệm sắp tới vẫn sẽ được thực hiện tại các khu phong toả (đang thực hiện giãn cách), các khu vực nguy cơ cao, rất cao, các đối tượng nguy cơ…

Không xét nghiệm "vùng xanh"

Về việc 19 quận, huyện “vùng xanh” có phải xét nghiệm nữa không, ông Việt cho biết vì đây là khu vực xanh nên sẽ không phải xét nghiệm nữa. Tuy nhiên, vẫn sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch, ví dụ nếu đe doạ mức độ nguy cơ tăng lên sẽ có các giải pháp tổng thể, trong đó có xét nghiệm.

Hà Nội vẫn đánh giá tình hình dịch hàng ngày, vẫn có nguy cơ dịch xâm nhập ví dụ nhóm các lái xe đường dài từ phía nam về, dù kiểm soát rất nghiêm ngặt nhưng vẫn có lái xe dương tính (test nhanh 3 - 7 ngày âm tính, nhưng ngoài thời điểm đó có thể dương tính). Còn nguy cơ về dịch trong cộng đồng, đã cố gắng làm xét nghiệm nhiều nhưng ca cộng đồng vẫn còn lốm đốm trong khu vực nguy cơ cao (vùng đỏ).

Trả lời câu hỏi liệu có phải Hà Nội đã chuyển từ chiến lược xét nghiệm diện rộng trước đây sang xét nghiệm đúng đối tượng, ông Việt cho biết, "không có chiến lược xét nghiệm kéo dài chỉ thực hiện theo 1 hướng nhất định nào đó mà phải đi theo tình hình dịch tễ. Sắp tới sẽ tập trung xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao, rất cao, đối tượng nguy cơ...".

Trước đó, Bộ Y tế đã có công điện 1409 gửi các địa phương cho biết, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…). Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải thực hiện nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày).

Đối với địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, thực hiện xét nghiệm 3 lần/tuần, với các địa bàn còn lại thực hiện xét nghiệm 5 - 7 lần/ngày, gộp mẫu theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề.

Tính từ chiều 8.9 đến sáng 16.9, trong 7 ngày, toàn TP.Hà Nội đã xét nghiệm được 4,2 triệu mẫu gồm cả PCR và test nhanh, kết quả chỉ phát hiện 19 ca dương tính.
Đáng chú ý, tại cuộc họp hiến kế cho lãnh đạo TP.HCM hôm qua, 17.9, các chuyên gia y tế đã đề xuất TP.HCM dừng xét nghiệm diện rộng vì tốn kém nhân lực, chi phí mà hiệu quả lại không cao. Thay vì xét nghiệm diện rộng để tách toàn bộ F0 thì tập trung xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao như: người giao hàng, nhân viên sân bay, nhân viên y tế, người cao tuổi...


Theo thanhnien.vn
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top