Hà Nội dành gần 53.318 tỷ đồng chống ngập và xử lý nước thải

Hà Nội sẽ rà soát các hồ điều hòa; nghiên cứu khai thác, sử dụng các hồ hiện có trong các công viên, khu đô thị mới, để điều hòa thoát nước đô thị hoặc đầu tư xây dựng mới các hồ theo quy hoạch. Hà Nội dự kiến dành gần 53.318 tỷ đồng cho các dự án chống ngập và xử lý nước thải.
ngap-ung.jpg
Khu vực nội thành Hà Nội vẫn xuất hiện các điểm úng ngập mỗi khi mưa lớn.

Bất cập hệ thống thoát nước Thủ đô

Mặc dù đã 2 lần được đầu tư cải tạo công trình thoát nước (Dự án cải tạo thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2 thành phố Hà Nội do JICA tài trợ), nhưng khu vực nội thành Hà Nội vẫn xuất hiện các điểm úng ngập mỗi khi mưa lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Thực tế những cơn mưa gần đây cho thấy hệ thống thoát nước khu vực nội thành Thủ đô đang phải đối mặt với không ít bất cập, gây khó khăn cho việc vận hành phương án chống ngập.

Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) Hoàng Thế Hùng cho biết, công trình ga ngầm S12 Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chặn đường thoát nước ra hồ Thiền Quang khiến hệ thống thoát nước tại khu vực ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt bị ảnh hưởng. Dự án cống hóa mương Thụy Khuê (đoạn từ dốc La Pho đến Cống Đõ), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, thi công 10 năm nay nhưng vẫn trong tình trạng dang dở, chặn 2/3 dòng chảy, dẫn đến cản trở thoát nước ở phố Thụy Khuê.

Tại khu vực Đại lộ Thăng Long, úng ngập cũng thường xuyên xuất hiện tại các hầm chui dân sinh số 3, 5, 6, nút giao An Khánh (huyện Hoài Đức)... Cốt nền thấp, các tuyến thoát nước cho các hầm chui đều theo cơ chế tự chảy, trong khi nguồn tiêu của các hầm chui là sông Cầu Ngà, sông Nhuệ khi mưa lớn đều ở mức cao, nhiều khi nước còn chảy ngược, khiến úng ngập ở đây thường kéo dài.

Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương cũng chia sẻ về bất cập của hệ thống thoát nước Hà Nội. Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội được phân thành 4 lưu vực: Tô Lịch (77,5km2, gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy); Tả Nhuệ (58km2, từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ); Hữu Nhuệ (115,69km2, từ sông Nhuệ đến sông Đáy); Long Biên (62km2, toàn bộ khu vực quận Long Biên).

Đến nay, mới có hệ thống thoát nước đô thị lưu vực Tô Lịch cơ bản được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, thiết kế đáp ứng mưa có cường độ 310mm2/ngày cho toàn bộ hệ thống và 70mm/giờ đối với hệ thống cống. Các khu vực còn lại chủ yếu vẫn tự chảy tự tiêu. Trong khi đó, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, những trận mưa lớn không theo quy luật có lượng mưa vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước, đã dẫn đến tình trạng úng ngập tại nơi trũng thấp.

Theo bà Mai Hương, các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông đang triển khai, như: Xây dựng nhà ga S12 (đoạn Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo), dự án mở rộng đường Vành đai 2, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; dự án xử lý nước thải Yên Xá... cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước. Với các trận mưa có lượng mưa 50-100mm/giờ, trên các tuyến phố chính khu vực nội thành còn 11 điểm úng ngập cục bộ.

chong-ung-ngap-noi-do.jpg
Hà Nội sẽ rà soát các hồ điều hòa.

Triển khai quy hoạch thoát nước

Ngày 3/7 vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch thoát nước của thành phố; Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ; Quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ rà soát các hồ điều hòa; nghiên cứu khai thác, sử dụng các hồ hiện có trong các công viên, khu đô thị mới, để điều hòa thoát nước đô thị hoặc đầu tư xây dựng mới các hồ theo quy hoạch.

UBND thành phố cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc sông Hồng...; khảo sát và đề xuất phương án thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long (xem xét phương án xã hội hóa đầu tư); nghiên cứu, đề xuất xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ (bằng nguồn vốn đầu tư công của quận, huyện hoặc các nguồn vốn huy động khác).

Giải pháp lựa chọn mô hình, công nghệ xử lý nước thải được thành phố Hà Nội đưa ra là tiếp tục triển khai các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu hay từng công trình như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn và các cụm nông thôn nhỏ cách xa các khu đô thị tập trung. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 6 nhà máy/trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng- lưu vực Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ, Tổng công suất của 06 nhà máy trên là 276.300 m3/ngđ, chiếm khoảng 28,8 % khối lượng nước thải cần xử lý. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu nước thải được xử lý trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 đạt 60% lượng nước thải được thu gom và xử lý tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020.

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Tại Kế hoạch này hàng loạt các dự án nhằm “chống ngập” cho Hà Nội và các dự án xử lý nước thải đã được đưa ra với số tiền để triển khai ước tính lên đến gần 53.318 tỷ đồng. Trong đó, dành hơn 41.067 tỷ đồng (gồm 19.958 tỷ đồng vốn ngân sách, 13.709 tỷ đồng vốn ODA, 7.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa) triển khai 20 dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị.

Theo Đời sống
back to top