Hà Nội: Cuộc khủng hoảng rác và lời hứa kéo dài 20 năm

(khoahocdoisong.vn) - Theo thông tin phía người dân chịu ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn thì nguyên nhân dẫn tới sự việc dân chặn xe chở rác của Urenco là vì chưa được di dời đến nơi an toàn, chính quyền chậm đền bù, giải phóng mặt bằng và ô nhiễm môi trường... Trong khi đó, chinh quyền hứa giải quyết suốt nhiều năm nhưng sự việc vẫn dậm chân tại chỗ...

Nỗi khổ 20 năm

Những ngày qua, người dân sống quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (gọi tắt là bãi rác Nam Sơn), huyện Sóc Sơn chặn xe chở rác của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) khiến hàng ngàn tấn rác thải ùn ứ. Tuy nhiên, căng thẳng liên quan đến ô nhiễm ở bãi rác thải đã diễn ra từ nhiều năm nay. Và có thể nó sẽ kéo dài cho tới khi nào người đân địa phương cảm thấy an toàn trước ô nhiễm phát ra từ bãi rác.

Theo tìm hiểu từ phía người dân, nhiều người tỏ ra uất ức vì phải sống trong cảnh ô nhiễm từ năm 1999 khi bãi rác Nam Sơn đi vào hoạt động cho đến nay.  Vào mùa hè hoặc những hôm nồm trời, ruồi nhặng tấn công các khu dân. Có gia đình phải dùng 15 – 25 tấm dính bắt ruồi mỗi ngày mà không xuể. Lượng ruồi bắt được phải đo bằng cách cho vào túi nilon, bao tải để cân như là thóc, lúa.

Môi trường ô nhiễm dẫn theo nhiều hệ lụy. Đầu tiên là số lượng người mắc bệnh ung thư ngày một tăng. Bệnh ngoài da cũng không ít. Chị N.T.T, sống ngay đối diện cổng chính của bãi rác Nam Sơn cho biết: Số phụ nữ mắc bệnh phụ khoa tại đây cao bất thường. Nguyên nhân được nghi ngờ là do nguồn nước bị ô nhiễm.

“Tồn tại hay không tồn tại” với bãi rác

Trong khi người dân phải chịu sự tra tấn của ô nhiễm thì phía chính quyền các cấp Hà Nội lại liên tục chậm trễ, thất hứa với người dân về việc đền bù giải phóng mặt bằng, đưa dân đến nơi ở mới để tránh ô nhiễm. Cụ thể, bãi rác Nam Sơn đã hoạt động 20 năm nhưng đến nay vẫn còn gần 1.000 hộ gia đình sống trong phạm vi chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm. Thậm chí, có vị trí người dân canh tác nông nghiệp chỉ cách khu xử lý chất thải đúng 1 hàng rào mỏng.

Chị Thảo Loan, người dân xã Nam Sơn cho biết: Chặn xe rác là hành động cực chẳng đã. Không ai muốn phải mệt mỏi, hoang mang hay chặn đường phản đối xe vào bãi rác như lúc này.

Sự ô nhiễm của bãi rác Nam Sơn gây căng thẳng đến mức, người dân ra điều kiện “tồn tại hay không tồn tại” với bãi rác. Theo đó, nếu bãi rác Nam Sơn muốn hoạt động thì phải đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân đến nơi an toàn, phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu không làm những việc trên thì dân sẽ phong tỏa bãi rác.

Lời hứa kéo dài 20 năm

Mặc dù đã hoạt động tròn 20 năm, qua nhiều lần “hứa” với dân nhưng đến ngày 14/01/2019, chính quyền huyện Sóc Sơn mới có động thái cụ thể là xác định ranh giới, phạm vi ảnh hưởng của bãi rác.

Bà Đỗ Thu Nga, Chánh văn phòng UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, huyện Sóc Sơn đang phối hợp với các Sở ban ngành thành phố, phấn đấu hoàn thiện việc xác định ranh giới vùng ảnh hưởng 0 - 500m; xác định ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m trước 17/1/2019; thẩm định bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường 0 - 500m trước ngày 20/1/2019; khẩn trương tổ chức phê duyệt, cắm mốc giới, bàn giao ngoài thực địa làm cơ sở để tiến hành việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo quy định.

Thời gian hoàn thành các thủ tục này được ấn định rõ ràng, nhưng thời điểm khi nào đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm thì vẫn không ai nhắc đến. Thêm nữa, nguyên nhân tại sao đến ngày 14/01/2019, chính quyền địa phương mới lên kế hoạch xác định ranh giới, phạm vi ảnh hưởng  vì ô nhiễm môi trường tại Nam Sơn, trong khi bãi rác đã hoạt động 20 năm thì vẫn không ai trả lời.

Những câu hỏi để ngỏ

Cuộc khủng hoảng rác tại Hà Nội thực tế đã diễn ra dai dẳng suốt nhiều năm. Nhưng từ phía đơn vị xử lý là Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) và các cơ quan chức năng thì vẫn không giải quyết dứt điểm.

Urenco đáng ra phải hiểu rõ nguyên nhân vì sao việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân lại chậm trễ suốt nhiều năm. Nhưng theo ông Vũ Cường, Phó tổng Giám đốc Urenco thì cho rằng, muốn biết nguyên nhân phải gặp UBND huyện Sóc Sơn và UBND tp Hà Nội. Về việc đấu thầu và số tiền mà Nhà nước rót vào để xử lý chất thải tại Nam Sơn, ông Cường cũng cho rằng, phía Sở Xây dựng Hà Nội nắm rõ.

Về chi phí để xử lý rác thải, ông Vũ Cường cho biết: Hiện Urenco đang nhận chi phí 83.000đ để xử lý 1 tấn rác thải. Chi phí như vậy là thấp nhưng, Urenco vẫn phải đảm bảo làm đúng quy định.

Theo thống kê, mỗi ngày Urenco tiếp nhận khoảng 4.000 đến 6.000 tấn rác thải, nếu nhân với số tiền 83.000đ như kể trên thì mỗi ngày, kinh phí xử lý rác thải sẽ vào khoảng 332 – 500 triệu đồng, chưa tính các khoản phí khác.

Được biết, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có diện tích 157ha, trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ. Bãi rác đi vào hoạt động từ năm 1999 đến nay.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án di dời các hộ dân vùng bị ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, UBND huyện Sóc Sơn cũng đang tập trung cho công tác chỉ đạo thực hiện, nhằm hoàn thiện bản đồ hiện trạng vùng bán kính 500m, trình Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xác nhận bản đồ hiện trạng. Song song với đó là tổ chức nộp hồ sơ để Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thẩm định xác định vùng ảnh hưởng bán kính 500m trước.

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top