Hà Giang: Khám bệnh từ xa, hiệu quả gần ngay người bệnh

Đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ giúp cho ngành y tế Hà Giang phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả mà còn giúp thay đổi toàn diện y tế cơ sở, tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chuyển đổi số sớm giúp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả

Theo BS Nguyễn Văn Giao, Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Giang, nhân lực về công nghệ thông tin (CNTT) của Hà Giang và ngành còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều, nhưng chuyển đổi số là giải pháp đột phá để tạo bước chuyển mình cho y tế địa phương.

Từ năm 2018, y tế Hà Giang đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành chỉ đạo, chuyên môn nghiệp vụ của ngành, với các phần mềm: Quản lý văn bản M-OFFICE, VNPTiOffice, dịch vụ công trực tuyến, quản lý tiêm chủng Quốc gia, quản lý hành nghề y, quản lý bệnh truyền nhiễm và một số phần mềm chuyên môn nghiệp vụ khác, đặc biệt là phần mềm quản lý y tế xã, phường liên thông đã triển khai đến các trạm y tế.

chuyen-doi-so-2-hg.png
BS Nguyễn Văn Giao, Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Giang nói về chuyển đổi số Y tế Hà Giang.

100% cơ sở y tế đã không còn phải ghi chép tay các sổ sách, quản lý bệnh án nội trú, các biểu mẫu báo cáo theo quy định mà đã được in ra từ phần mềm, giảm công sức tổng hợp các số liệu báo cáo thủ công.

Trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Hà Giang đã triển khai và sử dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát, quản lý, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kiểm soát tốt địa bàn và con người. Các ứng dụng theo dõi sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử, Bluzone, khai thác dữ liệu khai báo y tế, hệ thống camera giám sát, quản lý... đã giúp ngành chủ động ngăn chặn, kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Đặc biệt, với hệ thống Telehealth trong khám, chữa bệnh tới tận tuyến xã được xây dựng trước đó, trong đại dịch Covid-19 hệ thống này đã kết nối với Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hội đồng chuyên môn đầu ngành để kịp thời điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Telehealth đã phát huy tốt trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Đối với địa phương có địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, Telehealth có giá trị rất lớn, hỗ trợ tuyến dưới rất nhiều. Từ tỉnh có thể hội chẩn với huyện, phòng khám đa khoa khu vực cách hàng trăm km, đó là chưa kể tuyến huyện còn nối được với điểm cầu ở bệnh viện tuyến trung ương, giúp ích rất nhiều cho thầy thuốc và bệnh nhân.

chuyen-doi-so-1-hg.jpeg

 Kết nối hội chẩn từ tuyến xã lên tuyến huyện để điều trị cho bệnh nhân.

Thay đổi toàn diện y tế cơ sở

Bệnh nhi 1 tuổi được gia đình đưa đến trạm y tế xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì trong tình trạng sốt cao, khó thở... Khám thấy bé có biểu hiện nặng, ngay lập tức thầy thuốc trực trạm với điện thoại thông minh được kết nối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Trung tâm Y tế huyện xin ý kiến hội chẩn.

Ngay lập tức kíp bác sĩ trực đã hội chẩn và hướng dẫn thầy thuốc tại Trạm Y tế xã Bản Phùng hướng điều trị cho trẻ. Nhờ đó trẻ đã thoát khỏi nguy hiểm mà gia đình không phải đi xa 30km đường đèo, núi để về Trung tâm Y tế huyện thăm khám.

BS Vương Văn Bình, Trưởng trạm Y tế xã Nam Sơn, Hoàng Su Phì cho biết, trước đây, bệnh nhân hầu hết đều phải chuyển ra Nậm Dịch hoặc thị trấn Vinh Quang nên mất nhiều thời gian. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, trạm được trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, thầy thuốc được nâng cao trình độ, chuyên môn nên đã phục vụ tối đa nhu cầu của người bệnh.

Tuy là khám bệnh từ xa nhưng hiệu quả lại rất gần với người bệnh. Sự kết nối này đã giúp cho cán bộ y tế cơ sở được mở mang kiến thức, tiếp thu thêm kinh nghiệm khám chữa bệnh (KCB) và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Đặc biệt, không chỉ có sự kết nối của hệ thống y tế từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh lên Trung ương, phần mềm “bác sĩ xã“ trên ứng dụng điện thoại di động và máy tính đã kết nối trực tiếp từ người bệnh đến các bác sĩ tuyến trên (huyện, tỉnh, trung ương).

chuyen-doi-so-3-hg.jpg

Triển khai phần mềm quản lý y tế xã, phường liên thông tại các đơn vị y tế.

Phần mềm cho phép người bệnh đang điều trị bệnh mãn tính ổn định lập yêu cầu hẹn khám với bác sĩ tuyến trên hoặc các bác sĩ chuyên khoa trên toàn quốc qua phần mềm truyền hình và nhận thuốc tại trạm y tế xã.

Nhờ chương trình này, nhiều bệnh nhân cao tuổi đã được PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội tư vấn chữa bệnh từ xa...

Hơn nữa, với mô hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang là bệnh viện hạt nhân, bệnh viện huyện là các bệnh viện vệ tinh, từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh đã được các chuyên gia của Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội tư vấn và hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, giúp các bác sĩ của các bệnh viện tại Hà Giang có thể tự tin chữa bệnh hoặc chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.

Bằng hệ thống công nghệ thông tin, các chuyên gia của bệnh viện Đại học Y Hà Nội có thể hỗ trợ trực tuyến các kỹ thuật như mổ nội soi dạ dày, khám ung bướu....

Việc triển khai mô hình đã khẳng định bước tiến của ngành y tế trong thực hiện Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020 - 2025. Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 17 cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện đăng ký thực hiện KCB từ xa cho người dân, được kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện đầu ngành.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top