Hạ đường huyết – sát thủ cận kề

(khoahocdoisong.vn) - Biến chứng cấp tính trong bệnh tiểu đường, đặc biệt là hạ glucose máu (hạ đường máu hay hạ đường huyết) thường xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh, triệu chứng lâm sàng đa dạng và phong phú. Những biến chứng này đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Người bình thường cũng có thể bị hạ glucose máu

Hạ glucose máu là biến chứng hay gặp do người bệnh thực hiện chế độ ăn quá khắt khe hoặc do dùng thuốc quá liều. Hạ đường máu không chỉ gặp phố biến ở bệnh nhân đái tháo đường mà có thể gặp ở cả người bình thường. 

Khi bị hạ đường máu, các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Dù cơ thể có khả năng huy động năng lượng từ các nguồn khác như từ lipid, protid nhưng cũng chỉ tạm thời và không đủ. Đặc biệt là não và hồng cầu là 2 cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose. Vì thế, hạ đường máu nặng hoặc kéo dài có thể gây tổn thương não nặng, thậm chí gây tử vong.

Trước đây, người ta cho rằng hạ glucose máu không có triệu chứng cảnh báo (hay hạ glucose máu tiềm tàng) là rất hiếm. Thật ra đây là một đánh gia sai lầm. Tai biến này rất hay gặp, nhất là những người bệnh được áp dụng phương pháp trị liệu tích cực. Những người có cơn hạ glucose máu không triệu chứng nhắc đi nhắc lại sẽ gây ra những tác hại nặng nề: Làm cùn đi cơ chế hoạt động của hệ thống hormon ngăn chặn hạ glucose máu; Hạ thấp ngưỡng báo động về nguy cơ hạ glucose máu của cơ thể.

Để chẩn đoán xác định, người bệnh cần định lượng glucose máu. Thường nồng độ glucose máu < 2,8mmol/l là hạ glucose máu nặng, còn khi lượng glucose máu < 3,1mmol/l (< 55mg/dl) đã bắt đầu được xem là có hạ glucose máu. Khi đã có hạ glucose máu không triệu chứng, người bệnh không nên điều khiển phương tiện giao thông, không nên tiếp tục tập luyện.

Biểu hiện ở mức độ nhẹ, người bệnh có triệu chứng vã mồ hôi, run chân tay và đói. Đây là triệu chứng của hệ thần kinh tự động. Các triệu chứng này sẽ mất đi sau 10 – 15 phút khi người bệnh tự điều trị. Mức độ trung bình, các phản ứng biểu hiện lâm sàng ở cả hai mức của hệ thống thần kinh tự động và dấu hiệu thần kinh của giảm lượng glucose ở mô như đau đầu, thay đổi hành vi, dễ bị kích thích, giảm khả năng chú ý, ngủ gà. Ở giai đoạn này, thông thường người bệnh không đủ tỉnh táo để kết hợp điều trị với thầy thuốc. Thời gian phục hồi sẽ lâu hơn. Nếu không can thiệp kịp thời người bệnh cũng mau chóng chuyển sang mức nặng. Mức độ nặng lượng glucose máu hạ rất thấp, người bệnh hôn mê, mất cảm giác hoặc những cơn co giật. Cấp cứu lúc này là truyền glucose tĩnh mạch hoặc glucagon.

Duy trì bữa ăn phụ để tránh nguy cơ hạ glucose máu

Cách phòng tránh hạ glucose máu cơ bản nhất ở bệnh nhân tiểu đường là thực hiện đúng các chỉ định điều trị của thầy thuốc, thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý. Tránh thay đổi đột ngột trong sử dụng thuốc, trong thực hiện chế độ ăn uống và luyện tập. Đặc biệt là duy trì các bữa ăn phụ, ngay cả khi không có cảm giác thèm ăn. Trường hợp đặc biệt, ví dụ tăng hoạt động thể lực, nên giảm liều insulin khoảng 10 – 15%. Không nên để triệu chứng hạ glucose máu xuất hiện. Nếu thấy có triệu chứng báo trước (cồn cào, vã mồ hôi...) nên uống nước có pha đường, sau đó ăn thêm bữa phụ.

Vì vậy, người bệnh đái tháo đường nên mang thêm mình đường hoặc các loại thực phẩm cần thiết. Tuy nhiên, không nên quá sợ hãi về nguy cơ hạ glucose máu. Có người quá sợ hãi nên ăn nhiều gây tăng cân làm ảnh hưởng đến bệnh. Thường xuyên mang theo người y bạ hoặc thẻ có ghi rõ họ tên, bị bệnh đái tháo đường, đang dùng thuốc gì... phòng khi bị hôn mê hạ glucose máu sẽ là những thông tin cần thiết cho việc cấp cứu.

Quan trọng và nguy hiểm nhất là những cơn hạ glucose máu vào ban đêm. Để phòng tránh cần phải: Có bữa ăn phụ trước khi đi ngủ. Không tiêm insulin tác dụng nhanh vào buổi tối (trừ trường hợp cấp cứu, cần phải có chế độ theo dõi đặc biệt, tại bệnh viện). Trường hợp dùng liều insulin bán chậm cao nên chia ra làm 2 liều: buổi tối và trước khi đi ngủ.

Cách sơ cứu: Khi bệnh nhân còn tỉnh thì cho uống nước đường, sau đó tiêm một mũi glucagon. Khi bệnh nhân hôn mê, cần giúp tránh va đập, tiêm glucagon, đưa ngay vào bệnh viện gần nhất để cấp cứu.

PGS.TS Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư)

Theo Đời sống
back to top