Hạ cốt đê sông Hồng, cần tính toán cẩn trọng

(khoahocdoisong.vn) - Để xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên, Hà Nội sẽ tiến hành hạ cao độ đường Âu Cơ để thay thế một phần đê đất bằng tường chắn bêtông cốt thép. Theo các chuyên gia, việc hạ cốt đê sông Hồng cần hết sức cẩn trọng.

Có đảm bảo hành lang thoát lũ?

Sáng 29/12, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức khởi công giai đoạn 2 Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (đoạn đê Âu Cơ từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân) với tổng chiều dài là 3,7km. Theo đó, giai đoạn này sẽ tổ chức xây dựng tường chắn bêtông cốt thép bên phải (phía ngoài đê) để thay thế một phần đê đất kết hợp với mở rộng mặt đường đê, cải tạo và chỉnh trang hệ thống được gom dân sinh hai bên. Đồng thời tiến hành hạ cao độ đường Âu Cơ hiện trạng để thay thế một phần đê đất bằng tường chắn bêtông cốt thép bên phải và cải thiện các điểm vuốt nối với các ngõ giao hiện trạng. Xây dựng tường chắn tại vị trí dải phân cách giữa mặt đường chính để xử lý chênh cao độ giữa hai làn đường, đảm bảo kết nối các nhánh rẽ thuận lợi, an toàn.

Đê sông Hồng là tuyến đê đặc biệt quan trọng đảm bảo an toàn lũ khu vực trung tâm Hà Nội. Việc hạ đê, thay đổi thiết kế của đê đất có ảnh hưởng gì đến an toàn hành lang thoát lũ của Hà Nội? GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi cho biết, trong kỹ thuật đê điều có hai mức làm tường trên đê, thứ nhất là tường chắn sóng (vẫn cao hơn mực nước lũ thiết kế), thứ hai là tường chắn lũ. Nếu hạ 2,5m thì đê hạ xuống dưới mực nước lũ thiết kế của sông Hồng, vì vậy nếu xây dựng tường bê tông, bức tường này phải gánh trên mình hai nhiệm vụ vừa chắn lũ và vừa chắn sóng. Vì vậy, tường bê tông đó có vai trò rất quan trọng và phải cẩn trọng trong thiết kế và xây dựng.

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, xây tường bê tông trên nền đất phải tuân thủ nghiêm ngặt các thông số kỹ thuật như chống thấm (cả tường và chân tường), độ bền, tính ổn định và sẽ rất tốn kém vì vậy cần phải tính toán kỹ lưỡng và so sánh nhiều phương án khác nhau đặc biệt là phải tuân thủ kỹ thuật và chi phí kinh tế để chọn phương án cho hợp lý. Thực tế thì không phải chỉ mực nước cao đê mới nguy hiểm mà ngay cả mực nước thấp đê vẫn gây nguy hiểm. Vì đê hiện tại chúng ta từ xa xưa đã xây dựng nền không được xử lý tốt qua thời gian cũng đã bị đùn, sủi, thấm,… các cơ quan quản lý đê vẫn phải làm thường xuyên để khắc phục tình trạng đó.

Nguy cơ ngập khi có lũ vẫn hiện diện

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, khi Hà Nội hạ đê đất, xây tường bê tông thay thế thì tuyệt đối không được thay đổi hiện trạng, có nghĩa là không được lấn, xê dịch ra hướng bờ sông hoặc làm cong hay biến dạng đi cấu trúc nền đê cũ. Chỉ có thể xây dựng tường bê tông thu hẹp theo hướng vào trong đê hiện tại chứ không thể lấn ra ngoài, tất nhiên nếu lấn vào trong cần có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng.Thực tế đã chứng minh chúng ta thiết kế rất hợp lý theo đúng kỹ thuật nhưng khi thực hiện lại có những sai lệch như việc vi phạm hành lang thoát lũ rồi vi phạm luật đê điều rất nhiều.

“Năm 1996, mưa rất lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng lại không mưa ở khu vực miền núi, mực nước sông Hồng dâng lên cách đỉnh đê nói trên khoảng 20cm. Lúc đó tôi ngồi trên trực thăng quan sát, thấy rất nguy hiểm. Chúng tôi đã lên kế hoạch, nếu bão vào thì sẽ xin ý kiến Tổng Bí thư cho phân lũ xuống Đập Đáy (Đan Phượng, Hà Nội). Nếu Đập Đáy phải xả lũ thì phía hạ du sẽ bị thiệt hại rất nặng nề. Nhưng rất may năm đó bão không vào. Chính vì vậy, nếu xuất hiện mưa lớn ở khu vực đồng bằng như năm 1996, thì Hà Nội sẽ có nguy cơ ngập, các hồ thuỷ điện không có khả năng điều tiết lũ”, GS.TS Vũ Trọng Hồng chia sẻ.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải cho rằng, việc hạ thấp đê xuống để xây đường giao thông cần hết sức lưu ý, hết sức cẩn trọng. Chúng ta đang trong thời kỳ biến đổi khí hậu, sự biến động của thời tiết của thiên nhiên là không thể lường hết được. Sông Hồng hiện đã cạn rồi lòng sông không còn rộng như ngày xưa nên việc nước dâng cao là có thể có nên phải rất cẩn trọng. 

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top