GS.VS.TSKH Trần Đình Long, kiến trúc sư trưởng của Đường dây 500kV - Kỳ 2: “Hội nghị Diên Hồng” về công trình thế kỷ

(khoahocdoisong.vn) - Để đưa ra quyết định lịch sử xây dựng đường dây 500KV, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã đặt quyết tâm “khó nhưng vẫn phải làm”. Chỉ có một con đường duy nhất là phải làm bằng được, đường dây 500kV đã ra đời từ quyết tâm ấy.
Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt cùng các cán bộ bên Ủy ban Khoa học kỹ thuật Thành phố đến nhà GS.VS.TSKH Trần Đình Long chúc Tết.

Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt cùng các cán bộ bên Ủy ban Khoa học kỹ thuật Thành phố đến nhà GS.VS.TSKH Trần Đình Long chúc Tết.

Hóa giải khúc mắc

GS.VS.TSKH Trần Đình Long nhớ lại: “Trước Tết năm 1992, tôi được thông báo là sẽ có lãnh đạo đến thăm nhà chúc Tết. Khi đó chỉ có 3 bố con ở nhà, vợ tôi đang ở nước ngoài. Bất ngờ là Tết đó, đích thân Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt cùng các cán bộ bên Ủy ban Khoa học kỹ thuật Thành phố đến nhà chúc Tết. Sau khi thăm hỏi vài câu thì Tổng Bí thư nói ngay rằng ông vừa đi công tác trong miền Nam ra, tình hình cung cấp điện ở miền Nam và miền Trung rất tồi tệ, mỗi tuần cắt điện đến 4 - 5 ngày, trong khi miền Bắc lại thừa điện. Đó là tình trạng vô lý nên phải tìm cách đưa điện từ miền Bắc vào Nam. Nghe vậy tôi liền trình bày với Tổng Bí thư rằng một số nhà khoa học cũng rất quan tâm, nhưng làm sẽ rất khó khăn. Tổng Bí thư bảo: “Khó nhưng vẫn phải làm!”. Sau đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có ý kiến ngay với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho triển khai tổ chức thực hiện dự án.

Sau cuộc gặp với Tổng Bí thư tại nhà tôi thì ông Phạm Quyết Chí, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp của Văn phòng Chính phủ đến nhà tôi, đem theo một cái túi rất to và nặng. Anh bảo tôi đọc và nghiên cứu đi, xong thì gọi điện cho anh. Tôi mở ra, trong túi là toàn bộ thư từ, đơn kiến nghị về công trình 500kV, trong số đó ý kiến ủng hộ thì ít, phản đối thì nhiều. Ai cũng thấy cần phải làm, nhưng sẽ rất khó khăn…

Tôi đọc và gom lại thành các vấn đề: Khó khăn về kỹ thuật có giải quyết được không? Làm xong đường dây có hoạt động được không? Tính kinh tế của dự án là như thế nào, bởi vào thời điểm năm 1992, 500 triệu USD là khoản tiền rất lớn. Cuộc gặp sau đó của tôi có đồng chí Võ Văn Kiệt, tôi trình bày thành 3 nhóm vấn đề lớn: Về tính kỹ thuật, đây là công trình lớn, nên rất khó, thế giới chưa ai làm ở quy mô lớn như vậy. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở để thực hiện được, chỉ có điều khá khó khăn và tốn kém. Về vấn đề kinh tế, dự kiến khi hoàn thành, đường dây sẽ đưa vào miền Nam khoảng 50MW/năm, thời gian sử dụng đường dây là 4.000h, tương đương sẽ truyền tải 2 tỷ kWh từ Hòa Bình vào miền Nam (sau này thì đường dây tải lớn hơn nhiều). Miền Nam đang thiếu điện triền miên, nếu không có điện phải sử dụng máy phát tại chỗ. Giá thành lúc đó khoảng 1.000đ/kWh tương đương với 2.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, sau 3 năm vận hành là đạt giá trị kinh tế 6.000 tỷ đồng, tương đương với 500 triệu USD (tính theo tỷ giá thời điểm đó), nghĩa là sẽ hòa vốn. Còn về vấn đề an ninh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt nói đã có Chính phủ lo”.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long kiểm tra tiến độ thi công công trình đường dây 500kV Bắc - Nam.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long kiểm tra tiến độ thi công công trình đường dây 500kV Bắc - Nam.

Ngày 29/3/1992 tại Hà Nội đã diễn ra một hội nghị lớn và rất quan trọng, được xem như “hội nghị Diên Hồng” về việc xây dựng công trình thế kỷ của đất nước. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt họp với 15 chủ tịch UBND tỉnh, hai thành phố Hà Nội và TPHCM, đại diện các Bộ, ngành trung ương có liên quan đến việc xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Đỗ Quốc Sam báo cáo về ý nghĩa, mục đích, quá trình chuẩn bị và những công việc chính của công trình, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt nêu rõ: Công trình đường dây siêu cao áp có tầm vóc to lớn cả về kinh tế, kỹ thuật và thời gian thi công. Hoàn thành công trình này sẽ tạo ra một bước phát triển mới về kinh tế cho cả nước. Đồng thời, với công trình này, cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhanh và hoàn thành các công trình nguồn điện như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Thác Mơ, Tạ Bú, Yaly. Các ngành các cấp từ trung ương đến cấp tỉnh phải phối hợp đồng bộ thục hiện khẩn trương, liên tục và dứt điểm các công việc.

Điều hòa lưới điện cả nước hợp lý và khoa học nhất

Triển khai dự án lớn, thời gian quá gấp gáp, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai, trong đó có một văn bản đặc biệt quan trọng quyết định thúc đẩy sự thành công của dự án. Đó là Quyết định số 61/CT ngày 25/2/1992 phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký ban hành. Luận chứng này được lập bởi Công ty Khảo sát thiết kế điện 1 phối hợp với Công ty Tư vấn IPP, Bộ môn hệ thống điện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và một số chuyên gia. Nội dung ghi rõ tên công trình là hệ thống tải điện 500kV Bắc – Nam, cấp điện áp 500kV xoay chiều. Nhiệm vụ truyền tải từ hệ thống điện miền Bắc cấp cho các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, hợp nhất hệ thống điện trong cả nước. Công suất thiết kế từ 600 - 800MW, khả năng tải điện là 3 - 4 tỷ kWh/năm, dây dẫn điện là dây nhôm lõi thép, tiết diện dây dẫn 1 pha là 1.200mm2. Khởi công tháng 4/1992, hoàn thành cuối năm 1993, đầu năm 1994.

Thời điểm lịch sử đến, ngày 5/4/1992, lễ khởi công xây dựng Hệ thống tải điện 500kV Bắc – Nam đã được tổ chức trọng thể đồng thời tại các tỉnh Hòa Bình, Quảng Nam – Đà Nẵng, Đăk Lăk và TPHCM. Đây là công trình quy mô, hiện đại, có khối lượng xây lắp lớn với tổng chiều dài là 1.487km chạy dài qua 17 tỉnh và 6 con sông từ Bắc vào Nam. Ngày 5/4/1992 đã đi vào trang sử vàng của ngành Điện Việt Nam và cả trang sử vàng của đất nước ta, như là thời điểm lá cờ hồng quyết thắng được phất cao, dẫn đầu đoàn quân điện lực của đất nước, bắt đầu vào cuộc hành trình khẩn trương và thần tốc, xây dựng một công trình nhân tạo kỳ vĩ về truyền tải điện.

Công trình truyền tải điện này đã chấm dứt giai đoạn thiếu điện lúc bấy giờ ở miền Trung và miền Nam, điều hòa lưới điện của cả nước một cách hợp lý và khoa học nhất, linh hoạt nhất, sáng tạo nhất. Công trình cũng đã góp phần đặt nền móng và tỏa ánh sáng dẫn đường cho các công trình truyền tải điện 500kV mạch 2, 3 ra đời tiếp sau của ngành Điện lực Việt Nam.

Ý tưởng xây dựng công trình đường dây 500KV được hình thành khi GS.VS.TSKH Trần Đình Long nghiên cứu về công trình Thủy điện Hòa Bình, để chuẩn bị cho luận án Tiến sĩ khoa học ở Liên Xô cũ (1974). Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều ý tưởng mới táo bạo, học hỏi trong quá trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, ông đã đề xuất ý tưởng sử dụng máy để kiểm tra trắc nghiệm kiến thức của sinh viên. Máy kiểm tra dùng phiếu đục lỗ đầu tiên của ông đã được lắp ráp tại phòng thí nghiệm của bộ môn (làm từ rơle và các linh kiện của máy bay Mỹ bị bắn rơi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ) để kiểm tra trắc nghiệm kiến thức của sinh viên vừa được tuyển vào trường. Sáng kiến này đã được cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đánh giá cao.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top