GS.TSKH.Trần Vĩnh Diệu: Cả một đời đam mê nghiên cứu khoa học

GS.TSKH. Trần Vĩnh Diệu là một trong những trí thức được Liên hiệp Hội Việt Nam trao danh hiệu Trí thức và khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2022.

"Vợ chồng Ngâu" và người bạn tuyệt vời

GS.TSKH.Trần Vĩnh Diệu sinh năm 1938 xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Bố ông là kỹ sư mỏ nhưng mất khi ông còn nhỏ. Một mình mẹ ông chèo chống nuôi 5 người con, có lúc kiệt sức.

Từ nhỏ, ông đã làm mọi việc để giúp mẹ, từ đồng áng cho đến đi làm thuê, đủ thứ nghề: phụ cắt tóc, nấu kẹo lạc...

GS.TSKH.Tran Vinh Dieu: Ca mot doi dam me nghien cuu khoa hoc
GS.TSKH.Trần Vĩnh Diệu, người đã dành gần trọn cuộc đời cho khoa học. Ảnh: Viettimes.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông hệ 9 năm, năm 1956, ông thi đậu vào khóa I Đại học Bách khoa năm 1956. Năm 1959, sau khi học hết 3 năm khoa Hoá hữu cơ, ông được cử đi đào tạo chuyển tiếp ở Moskva.

Năm 1962, với tấm bằng đỏ tốt nghiệp, ông vào giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cũng ở đây, ông đã gặp được người bạn đời tuyệt vời của mình – bà Lê Thị Phái. Cùng một ngành Kỹ thuật hóa học polyme với chồng, bà Phái đã hỗ trợ ông rất nhiều trong công việc, những thành công của ông đều có sự góp sức âm thầm của bà phía sau.

Năm 1966, ông được cử trở lại trường cũ - Hóa kỹ thuật Mendeleev Matxcơva để làm nghiên cứu sinh. Cũng năm này, hai vợ chồng ông đón đứa con trai đầu lòng, đúng dịp Mỹ ném bom ác liệt xuống miền Bắc.

Khó khăn chồng chất, đêm trước khi sang nước ngoài, trong căn nhà cấp 4 cũ tại khu tập thể Đại học Bách khoa, người chồng Trần Vĩnh Diệu đã nói với vợ trong ánh đèn đỏ quạch: “ Đi lần này, anh muốn hình thành cho được một hướng chuyên môn có thể phát triển sau này ở nước ta”.

Lúc đó, hai vợ chồng đặc biệt chú ý đến nguồn nguyên liệu sơn ta, được trồng nhiều ở Phú Thọ. Nguồn nguyên liệu sơn ta có ưu điểm là có khả năng tái tạo, có lợi về mặt sinh thái, hiệu quả kinh tế - xã hội

Sau khi trở về nước công tác, từ năm 1969, ông kiên trì nghiên cứu xoay quanh đề tài “Sơn ta” và đã có một số ứng dụng ban dầu trong lĩnh vực sơn chống ăn mòn, vật liệu cách điện và keo dán kết cấu chất lượng cao. Ý tưởng cho một luận án tiến sĩ khoa học cũng bắt đầu nhen nhóm từ đây.

Năm 1978, ông trở lại Trường Hóa kỹ thuật Mendeleev làm luận án TS khoa học. với đề cương nghiên cứu về laccol của sơn ta.

Trong suốt 4 năm làm luận án tiến sĩ khoa học của ông, có sự hỗ trợ đắc lực của người vợ Lê Thị Phái.

Dù bận con nhỏ, bà Phái đã nhẫn nại tìm hàng trăm trang tư liệu trong các kho sách báo cũ của Pháp từ đầu thế kỷ có liên quan đến sơn ta, dịch và gửi sang cho chồng. Sau những giờ lên lớp, bà lại mải miết đạp chiếc xe đạp thống nhất cũ, đến các nhà máy cùng đồng nghiệp đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Phần ứng dụng thực tế ở Việt Nam này là đóng góp đáng kể cho thành công của luận án.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi của cả hai vợ chồng, luận án tiến sĩ khoa học của ông được ghi nhận ở kết quả xuất sắc với số phiếu bầu thông qua 20/20.

Viện sĩ V. V. Korsak đánh giá: “Luận án tiến sĩ của Trần Vĩnh Diệu rất đặc sắc về mặt khoa học. Theo tôi, đó là đóng góp quý báu vào sự phát triển ngành hóa học”.

Còn Giáo sư Sorokin - người trực tiếp hướng dẫn ông thì đánh giá: “Trên cơ sở kết quả quan trọng cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, Diệu đã phát triển đề tài thành luận án tiến sĩ khoa học và anh đã bảo vệ thành công một cách xuất sắc, mở ra một hướng đi mới cho ngành polyme ở Việt Nam”.

Sau đó, bà Phái đã đồng hành, cùng chồng thực hiện nhiều công trình khoa học trong suốt chặng đường hai người vừa là bạn đời, vừa là đồng nghiệp.

Nói về người vợ thân thương, GS Trần Vĩnh Diệu chia sẻ, thành công của ông có sự góp sức, hy sinh lớn lao của người vợ. Bạn bè hay gọi vui hai người là “vợ chồng Ngâu”.

“Hai lần làm luận án của tôi và của Phái, một người ở Mat-xcơ-va và một người ở Bu-ca-rét; đến luận án tiến sĩ, sắp sửa về Hà Nội thì nhà tôi đã bay sang Lyon (Pháp) thực tập một năm. Người về, người đi, đi đi, về về, dồn lại đến 11 năm 'dùi mài kinh sử' cùng với tuổi trẻ. Tạm ngừng đèn sách thì tuổi thanh xuân cũng đã ở phía sau”, GS Trần Vĩnh Diệu chia sẻ.

Bà đã đi xa ông chục năm, vậy nhưng, ông cứ ngỡ như người vợ thảo hiền chỉ vừa mới đi công tác chưa về.

Những công trình ý nghĩa

Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu đã để lại rất nhiều công trình có giá trị. Tuy nhiên, có hai công trình mà ông tâm đắc nhất, trong đó có lý do là bởi có sự hợp sức của người vợ mà ông hết lòng thương yêu.

Công trình đầu tiên, đó là “Nghiên cứu công thức keo kết cấu từ nhựa êpoxy và công nghệ dán các loại đá quý phục vụ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Vào những năm 1974-­1975, trình độ khoa học công nghệ của ta còn nghèo nàn lạc hậu, thì việc sáng tạo ra loại keo dán đặc biệt, có khả năng kết dính những mảnh đá nhỏ như bàn tay thành tấm đá lớn, sức chống chọi với thiên nhiên là việc không hề đơn giản.

GS.TSKH.Tran Vinh Dieu: Ca mot doi dam me nghien cuu khoa hoc-Hinh-2
Phút thư giãn của GS.TSKH. Trần Vĩnh Diệu. Ảnh: Giáo dục Việt Nam. 

Sau 4 tháng ròng rã nghiên cứu, săn tìm đá đỏ phù hợp, hai vợ chồng ông cùng các đồng nghiệp đã cắt và dán hơn 4.000 mảnh đá nhỏ li ti thành 96 tấm đá lớn. Vào đúng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30­/04­-1975, hình ảnh lá cờ búa liềm và quốc kỳ bằng đá với diện tích 30m2 đã hiện ra trên Lăng Bác.

Công trình ông tâm đắc thứ 2 là công trình chế tạo sơn êpoxy chịu được ăn mòn của thực phẩm để bảo vệ các xitec đường sắt chuyên chở nước mắm từ Nam ra Bắc.

Trước đó, người dân thường dùng can nhựa để chở mắm. Việc này dễ dẫn tới việc bị vỡ can, gây tốn kém và làm hỏng phương tiện.

Khi công trình được ứng dụng đã giúp cho việc vận chuyển được dễ dàng. Và sau đó, công nghệ đã được chuyển giao cho Nhà máy cơ khí Nội thương, đồng thời còn được sử dụng để bảo vệ các bồn chứa của Công ty rượu vang Thăng Long.

Gần như trọn cuộc đời, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu đã gắn bó với khoa học, chuyên tâm nghiên cứu về công nghệ polyme và compozit, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Không chỉ là một nhà khoa học, ông còn là một người thầy mẫu mực. Ông đã tham gia đào tạo trên 900 kỹ sư, trực tiếp hướng dẫn 17 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ông luôn truyền cho học trò của mình ngọn lửa nhiệt tình, niềm đam mê với nghiên cứu khoa học.

Cho đến nay, ở tuổi hơn 80, ông vẫn say mê nghiên cứu, tìm tòi. Ông chia sẻ, khoa học chính là tình yêu và đam mê lớn nhất của cuộc đời ông.

GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu là một trong 106 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao danh hiệu Trí thức và khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2022 tới đây. Danh hiệu này là sự ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông trong hoạt động khoa học, công nghệ và công tác vận động trí thức.

* Bài viết nằm trong tuyến bài tuyên truyền về Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022 (diễn ra ngày 21/05/2022) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. 

Theo Tri thức và Cuộc sống
back to top