GS Nguyễn Xiển: Từ chối làm bộ trưởng vì ngại mang tiếng cơ hội

(khoahocdoisong.vn) - Được mời làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính của Chính phủ lâm thời, GS Nguyễn Xiển đã từ chối. Trong cuộc đời làm khoa học của mình, ông đã thực hiện được một khối lượng công việc đồ sộ, để lại cho đời nhiều công trình có giá trị.

Xây dựng Báo Khoa học thường thức

Ngoài công tác khí tượng, GS Nguyễn Xiển còn có nhiều đóng góp cho việc xây dựng ngành giáo dục của nước nhà. Ông đã biên soạn hai cuốn giáo trình toán học đại cương và cơ học thuần lý - là hai tập giáo trình toán và lý đầu tiên được viết bằng tiếng Việt trên đất nước ta. Từ 1951 - 1954, ông được biệt phái cùng GS Lê Văn Thiêm thành lập và giảng dạy tại hai trường Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp, đào tạo được nhiều tài năng toán học cho đất nước.

Nguyễn Xiển cùng nhóm các tri thức tây học yêu nước như Ngụy Như Kon Tum bắt đầu làm báo khoa học. Số 1 báo Khoa học ra ngày 1/1/1942, chỉ định xuất bản một tháng một kỳ. Với nhiệt huyết và tinh thần mạnh mẽ, muốn làm thay đổi xã hội Việt Nam sau chiến tranh... những người làm báo Khoa học với mục đích phổ biến khoa học cơ bản và phương pháp tiếp cận khoa học. Trải qua hơn 60 năm kể từ khi thực dân Pháp đặt chế độ cai trị và thực hành khai thác thuộc địa một cách tàn nhẫn làm cho nước ta nghèo xơ xác, đa số mù chữ, chỉ một bộ phận nhỏ con em gia đình giàu có, có thế lực mới được đến trường học, mà cũng chỉ chủ yếu học ngành Luật để phục vụ cho chính sách cai trị mà thôi. Việc báo Khoa học ra đời phổ biến kiến thức khoa học thực sự có ý nghĩa với xã hội Việt Nam đương thời. Đồng thời, đây cũng là trang mới trong sinh hoạt báo chí Việt Nam.

Mục đích hoạt động của báo Khoa học được ghi rõ trong Lời nói đầu: “Ngày nay khoa học đã tràn khắp trong nước, chẳng mấy người không được trông thấy đèn điện, ô tô, tàu bay, đại bác. Dẫu là người không nghĩ tới khoa học, thấy vậy cũng tự hỏi sao người ta sáng chế ra được những dị vật ấy, và tự nhiên muốn biết nguyên lý của các sự phát minh. Người được học nhiều thì đã có sách chữ Pháp, chữ Hán giảng giải. Còn người biết chữ quốc ngữ thì chưa biết tìm kiếm ở đâu. Sách vở khoa học bằng tiếng mình rất hiếm. Báo chí lại càng ít ỏi. Những người trí thức chuyên môn ít ai chịu khó chăm về việc truyền bá cái sở học của mình. Vì những lẽ đó nên báo Khoa học ra đời”.

Mục đích tóm lại có hai phần: Truyền bá ý tưởng khoa học và phương pháp khoa học cho những người không biết đọc các sách của Tây phương. Báo sẽ giải những vấn đề quan trọng về các ngành trong khoa học như Vật lý, Hóa học, Toán học, Y học, Địa học, Thiên văn học, Cơ khí, Kỹ nghệ... Mỗi khoa sẽ có một mục riêng trong báo.

Để giữ vững tôn chỉ mục đích xuyên suốt quá trình tồn tại, bản báo yêu cầu các bài viết đăng trên báo Khoa học phải mang tính khoa học, chú trọng vào khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng. Trong quá trình hoạt động báo mở mục: “Danh từ khoa học” để đăng tải các danh từ khoa học mà trước đó nhà trí thức khoa học Hoàng Xuân Hãn đã dày công lập nên. Tuy nhiên, chính tác giả đã giải thích, đó không phải là một bài dịch, không phải là tự điển mà chỉ là một bản danh từ. Nghĩa là tôi kiếm một tiếng đơn hoặc kép để chỉ một ý khoa học mà ý khoa học ấy là bởi chữ Pháp làm chuẩn đích. Đối diện với chữ Pháp, tôi đặt một danh từ Việt Nam...”.

Từ năm 1959, ông là Hội trưởng Hội Phổ biến khoa học Việt Nam, được thành lập theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiêm Chủ nhiệm Báo Khoa học thường thức (sau nay là Báo Khoa học và Đời sống và hiện trở thành ấn phẩm Báo in của Báo Tri Thức và Cuộc sống) của Hội. Suốt cuộc đời mình, GS Nguyễn Xiển đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển khoa học của Việt Nam, không chỉ cho riêng ngành khí tượng. Ông làm việc với lòng yêu người và yêu nước. Cũng với tấm lòng ấy ông đóng góp cho nhiều hoạt động xã hội của mình. Ông cũng là tác giả của nhiều bài báo về chính trị, xã hội, văn hóa và khoa học kỹ thuật trưởng ban.

Ông quan niệm: “Đã là trí thức có tấm lòng yêu nước, có đầu óc tiến bộ và thực tiễn thì ít nhiều đều muốn hoạt động xã hội”. Ngay từ hồi làm việc ở Đài Khí tượng Phù Liễn ông đã là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ của tỉnh Kiến An với ý thức góp phần nâng cao dân trí.

GS Nguyễn Xiển, nhà khoa học, vị chính khách lớn của Việt Nam và phu nhân Nguyễn Thúy An. Ảnh Tư liệu gia đình

GS Nguyễn Xiển, nhà khoa học, vị chính khách lớn của Việt Nam và phu nhân Nguyễn Thúy An. Ảnh Tư liệu gia đình

Từ chối chức bộ trưởng

Ngày 22/8/1945, ông cùng ba nhà trí thức Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum đánh điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị giao cho Việt Minh thành lập chính phủ để tránh nội chiến.

Ngày 24/8, ông được mời đến Bắc Bộ Phủ, ông Võ Nguyên Giáp mời ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính của Chính phủ lâm thời, ông từ chối. Ông kể lại: “Tôi cảm ơn anh đã biết đến tôi nhưng không dám nhận... tôi chưa làm được gì cho cách mạng, mới chỉ gửi điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị mà nhận một ghế Bộ trưởng thì dễ dàng mang tiếng cơ hội”.

Nhưng ngày hôm sau, lại có người đến mời ông Nguyễn Xiển đến gặp Bác Hồ. Kể lại chuyện này ông Nguyễn Lưu, con trai GS Nguyễn Xiển cho biết: “Bố tôi trân quý khoảnh khắc đó vô cùng, ngày còn trẻ bố tôi đã đọc nhiều sách báo của Bác nhưng chưa bao giờ nhìn thấy Người. Đây là lần gặp đầu tiên. Bác mặc quần áo kaki, đi giầy vải, trán cao, đôi mắt tinh anh, giọng nói xứ Nghệ đã nhẹ đi nhiều nhưng đầy ấm cúng, cử chỉ nhanh nhẹn...”.

Bác Hồ nói với Nguyễn Xiển rất ngắn gọn, đại ý là: Đã là trí thức yêu nước thì phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, không nhận làm Bộ trưởng thì phải làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ... Trước lời lẽ giản dị và sáng suốt ấy cùng thái độ tin cậy của Bác Hồ, ông không còn lý do để từ chối nữa. Ngày 28/8/1945, Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban nhân dân Bắc Bộ do ông Nguyễn Xiển làm Chủ tịch, phụ trách chung; Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Văn Trân.

Ngay sau khi thành lập, Ủy ban nhân dân Bắc Bộ đã giải quyết nhiều công việc đang rất khẩn trương lúc đó như tiếp quản bộ máy chính quyền, xây dựng các ủy ban hành chính từ tỉnh đến xã, đặc biệt là việc sửa chữa đê điều bị vỡ trong trận lụt lịch sử năm 1945... Trong trận lũ lịch sự ấy, một loạt đê quan trọng như đê sông Thao, sông Lô, nhiều khúc đê sông Hồng... bị vỡ. Nước lụt đã làm ngập hàng vạn mẫu ruộng. Việc cần làm ngay là hợp long những đoạn đê vỡ để kịp thời bảo vệ vụ mùa năm đó; tiếp đến là phải đắp thêm nhiều đê mới vòng quanh các chỗ đê vỡ, tu bổ những đoạn đê xung yếu. Trong hoàn cảnh ngân khố nhà nước gần như trống rỗng, việc tu sửa đê điều lại cần nhiều tiền, ông đã đề đạt lên Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng cả thầu khoán và thợ đấu. Lúc bấy giờ thầu khoán là cách làm vô cùng mới mẻ, nhưng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ. Bác Hồ nói, thầu khoán tất nhiên là có bóc lột, nhưng thầu khoán đắp đê lúc này là yêu nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chúc mừng GS Nguyễn Xiển thọ 90 tuổi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chúc mừng GS Nguyễn Xiển thọ 90 tuổi.

Số phận tôi đã an bài, vấn đề là số phận của nhân dân

Theo cuốn GS Nguyễn Xiển – Cuộc đời và Sự nghiệp, cuối năm 1995, chuẩn bị bước sang tuổi 90, ông đã viết những dòng cuối cùng đầy tâm huyết để gấp lại cuốn Hồi ký của mình như sau:

“... nhìn lại đời mình, tôi tự khẳng định và cũng đã được thừa nhận là một trí thức yêu nước, yêu dân chủ và tiến bộ. Do hoàn cảnh lịch sử, tôi có một vai trò và vị trí nhất định về chính trị và chuyên môn từ sau Cách mạng Tháng Tám. Nhưng xét cho kỹ, tôi chỉ là một trí thức tự do, sống theo cảm tính, bản năng tự nhiên hơn là bằng lý luận, hoạt động chủ yếu theo con tim và tâm trí của mình nên cũng chưa đi chuyên sâu cả về chính trị và khoa học, ngay về chuyên môn cũng là một nhà hoạt động thực tiễn hơn là một nhà nghiên cứu. Do vậy, sự cống hiến còn hạn chế.

Được cái là bản năng hướng thiện, tương đối có suy nghĩ độc lập và một số kinh nghiệm sống, nên đã đi theo con đường đúng, con đường lớn của Cách mạng... Dù có lúc cũng muốn chống lại một số hiện tượng ấu trĩ, dốt nát... nhưng thực tế chưa thể hiện được mình bao nhiêu.

Lời tự đánh giá này là thành thực, còn xác đáng đến đâu xin nhường quyền phán xét cho phía khách quan. Tôi không thể viết trái lại tính cách cá nhân của mình. Và tôi dừng bút khép lại tập hồi ký này với sự thanh thản trong lòng; sức mình, điều kiện của mình đến đâu, mình đã làm tới đó. Nếu còn có âu lo thì đó là sự âu lo cho tương lai của đất nước, liệu có tìm được con đường ngắn nhất, tranh thủ được khả năng tốt nhất vươn lên trong một thế giới đầy biến động, bất trắc, phức tạp như thế giới ngày nay? Số phận của riêng tôi thì có thể nó đã an bài, vấn đề là số phận của nhân dân, của đất nước muôn vàn yêu thương”.

GS Nguyễn Xiển là nhà hoạt động cách mạng đa ngành, đa lĩnh vực, đã để lại những dấu ấn đẹp cho các thế hệ sau. GS Nguyễn Xiển đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 9/11/1997, hưởng thọ 90 tuổi.

Tên ông được đặt cho một con đường ở phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP Hải Phòng và một phần Vành đai 3, chạy qua quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Theo Đời sống
back to top