GS Lê Văn Thiêm: Tượng đài toán học Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Tên tuổi của ông gắn với nhiều chữ “đầu tiên”. Ông là Tiến sĩ Toán học đầu tiên của nước ta, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học và Sư phạm, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học, Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam, Tổng Biên tập đầu tiên của hai tờ báo toán học của Việt Nam... Ông là GS Lê Văn Thiêm.
gs-le-van-thiem.jpg
Sự phát triển của Toán học Việt Nam và của khoa học cơ bản Việt Nam nói chung từ sau Cách mạng Tháng Tám mang đậm dấu ấn của GS Lê Văn Thiêm.

Tiến sĩ Toán học đầu tiên

Sinh ngày 29/3/1918 tại làng Lạc Thiện, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Lê Văn Thiêm là con út trong gia đình có 12 người con của ông bà Lê Văn Nhiễu. Cha mẹ mất sớm, Lê Văn Thiêm được người anh cả anh cả là Lê Văn Kỷ (tiến sĩ khoa thi cuối cùng của nền giáo dục phong kiến vào năm Kỷ Mùi 1919, niên hiệu Khải Định thứ tư) nuôi cho ăn học tại Trường Quốc học Quy Nhơn. Hiệu trưởng trường này là ông Michael Casimir, tốt nghiệp cử nhân khoa học tại Paris rất mến phục tài năng của cậu học trò nhỏ người An Nam. Ông thường nói với mọi người: “Il ira plus loin que moi!” (Cậu ta sẽ tiến xa hơn tôi!).

Lời của thầy Michael quả không sai. Năm 1937, Lê Văn Thiêm thi đỗ cao đẳng tiểu học (tương đương THCS hiện nay) và chỉ sau 3 tháng nghỉ hè, với tư cách thí sinh tự do, ông thi đỗ tú tài phần 1 (thường là phải sau 2 năm). Ông ra Hà Nội học tiếp để thi tú tài toàn phần. Do ở Đông Dương thời ấy chưa mở trường đại học khoa học, nên ông đành theo học lớp P.C.B. (Lý - Hóa - Sinh) để chuẩn bị thi vào Trường Y. Năm 1939, ông đỗ thứ nhì lớp P.C.B. và được cấp học bổng sang Pháp du học.

Năm 1941, Lê Văn Thiêm thi đỗ vào École normale supérieure (thường được dịch không chính xác là Đại học Sư phạm) ở phố Ulm, Paris. Đây là một “trường lớn”, tuyển sinh rất khó, học bổng rất cao, đã đào tạo nhiều nhà bác học lừng danh cho nước Pháp. Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ nên đến đầu năm 1943 ông mới tiếp tục việc học tập. Trong 2 năm, ông thi đỗ 5 chứng chỉ (chỉ cần 3 chứng chỉ là xong chương trình cử nhân) và nhận bằng Thạc sĩ toán học tại Paris.

Được học bổng của Quỹ Alexander von Humboldt, Lê Văn Thiêm tiếp tục sang Đức làm luận án Tiến sĩ Toán học tại Đại học Tổng hợp Gottingen. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vào tháng 4/1945. Thời gian này ông sống rất khó khăn, phải đi bán bít tất để kiếm sống và học tập, có lúc phải chui xuống cống nước để tránh quân  Đức và bị xả nước suýt mất mạng.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ A và đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ B (tiến sĩ habil, tương đương tiến sĩ khoa học) thì vị giáo sư hướng dẫn qua đời. Ông liền trở về Pháp tiếp tục hướng nghiên cứu mà mình đã chọn. Năm 1946, ông tự nguyện làm một số việc giúp đỡ Phái đoàn Việt Nam và tập hợp một số anh em trí thức Việt kiều đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tham dự Hội nghị Fontainebleau. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, ông có cơ hội gặp Tạ Quang Bửu tại Paris và nhận được lời khuyên “bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ xong luận án Tiến sĩ quốc gia Toán học, vì càng có vị trí khoa học cao thì càng có uy tín để làm việc cho đất nước”. Cũng trong dịp này, ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ sang Bỉ liên hệ giao dịch mua vũ khí để chuyển về nước.

Năm 1948, Lê Văn Thiêm tiếp tục bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Khoa học Quốc gia Pháp về Toán. Ông được mời làm Giáo sư giảng dạy toán học và cơ học tại Đại học Tổng hợp Zurich, Thụy Sĩ. Ngoài công tác giảng dạy, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là ở Pháp.

gs-thiem-cung-gd.jpg
Gia đình GS Lê Văn Thiêm.

Theo tiếng gọi của Tổ quốc

Cuối năm 1949, bằng số tiền dành dụm được khi đi dạy học, Lê Văn Thiêm đã mua vé máy bay từ Paris về Bangkok, Thái Lan, do lúc ấy bay thẳng về Hà Nội hoặc Sài Gòn sẽ bị chính quyền thực dân Pháp kiểm soát rất gắt gao. Sau khi về Thái Lan, ông theo đường bộ, qua Campuchia rồi về rừng U Minh, Khu 9 miền Nam Việt Nam, tại đây ông tham gia Kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ, kể cả dạy bình dân học vụ.

Năm 1951, ông được Chính phủ điều động từ Nam Bộ ra Việt Bắc để nhận nhiệm vụ mới là xây dựng trường Khoa học Cơ bản và Trường Sư phạm Cao cấp, giữ chức Hiệu trưởng của hai trường này. GS Lê Văn Thiêm đã cùng những nhà trí thức hàng đầu như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng nền khoa học và giáo dục đại học của nước Việt Nam mới. Trong tay họ, hầu như chẳng có cuốn giáo trình bậc đại học nào, ngoài vài cuốn sách mà họ đã cố gắng mang theo mình khi rời nước Pháp. Vậy mà họ, thế hệ trí thức đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã làm nên một kỳ tích khiến thế giới phải kinh ngạc: Ngay sau khi hòa bình lập lại, các trường đại học Việt Nam đều do cán bộ người Việt Nam giảng dạy và họ dạy tất cả các giáo trình bằng tiếng Việt.

Năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang ở thời kỳ ác liệt nhất. Các trục giao thông chính, đường bộ, đường sắt bị phá hoại nghiêm trọng. Kênh Nhà Lê (con kênh được đào từ thời Lê, chạy gần song song với quốc lộ 1) được sử dụng để chuyên chở hàng hóa, vũ khí. Lòng kênh đã cạn, nhưng không thể dùng một lực lượng quá lớn để nạo vét dưới bom đạn suốt ngày đêm. GS Lê Văn Thiêm đã đề xuất dùng phương pháp nổ định hướng, tức là dùng mìn nổ dưới lòng kênh, nhưng bố trí sao cho hầu hết đất đá sau khi nổ rơi lên bờ kênh.

Từ một chuyên gia hàng đầu trong một lĩnh vực toán học lý thuyết, GS Lê Văn Thiêm đã chuyển hẳn sang nghiên cứu những vấn đề toán học đặt ra từ thực tiễn Việt Nam. Ông cùng các cộng sự giải quyết nhiều vấn đề như nổ mìn lấy đá xây dựng khu gang thép Thái Nguyên (1964), lập bảng tính toán nổ mìn làm đường (1966), tính toán nước thấm và chế độ dòng chảy cho các đập thuỷ điện Hòa Bình, Vĩnh Sơn; tính toán chất lượng nước cho công trình thuỷ điện Trị An... Ông là tác giả của khoảng 20 công trình toán học được đăng trên các tạp chí quốc tế, chủ biên nhiều cuốn sách về toán học.

giao-su-le-van-thiem-mat-ngay-3-7-1991-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.jpg
Tượng Giáo sư Lê Văn Liêm tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

GS Lê Văn Thiêm là một trong những người đầu tiên cho lời giải của “bài toán ngược của lý thuyết Nevanlinna” (nhà toán học Phần Lan đã một thời là Chủ tịch Hội Toán học quốc tế). Công trình của ông không chỉ được quan tâm vì đã chứng minh sự tồn tại nghiệm của bài toán đó, mà còn vì ông đã đưa ra một phương pháp hoàn toàn mới để nghiên cứu vấn đề đặt ra. Trong những công trình khoa học và sách chuyên khảo gần đây trên thế giới, người ta vẫn còn nhắc công trình của ông viết cách đây hơn nửa thế kỷ và nhắc đến ông như là một trong những người có công đầu trong việc xây dựng lý thuyết.

Nhiều thế hệ học trò sau này đến giờ vẫn luôn nhớ đến ông. Những ai đã từng được làm quen với ông đều không thể quên một con người nhân hậu, trung thực tới mức ngây thơ, tin tất cả mọi người như tin chính bản thân mình. Điều đó đã gây cho ông không ít khó khăn khi ông còn sống (và đảm nhận những chức vụ lãnh đạo) nhưng đã làm cho hình ảnh ông để lại trong lòng học trò, đồng nghiệp mãi mãi là hình ảnh về một nhân cách lớn, không chút bụi mờ.

GS Hoàng Tụy - một đồng nghiệp, một người bạn thân thiết có nhiều năm gắn bó với ông đã tâm sự: "Nếu như GS Lê Văn Thiêm cứ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu ở Pháp hay ở Mỹ thì chắc chắn ông có thể có nhiều cống hiến to lớn hơn cho Toán học và tên tuổi quốc tế của ông lẫy lừng hơn. Song ông đã lựa chọn trở về quê nhà, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào. Và thật sự, tất cả những gì ông đã cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng Toán học Việt Nam chỉ có thể khiến chúng ta vô cùng biết ơn và tự hào về ông".

Theo Đời sống
back to top