Góp ý sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Doanh nghiệp nói 1, chuyên gia bảo 10

(khoahocdoisong.vn) - Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có tác động sâu rộng tới môi trường đầu tư kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp. Dự thảo sửa đổi hai luật này hiện đang gây nhiều tranh cãi trong giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế.

Tranh cãi về quyền lợi cổ đông

Hội thảo “Góp ý Dự Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)” vừa được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp.

Một trong các điểm đáng chú ý của luật sửa đổi lần này là điều chỉnh quy định cổ đông chỉ cần sở hữu 1% vốn doanh nghiệp có quyền ứng cử và đề cử vào Hội đồng Quản trị và Ban kiểm sát, cùng một số quyền khác như yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ, yêu cầu BKS kiểm tra các vấn đề liên quan đến điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

Về điểm sửa đổi này, ông Phan Lê Hoàng, Phó TGĐ Tập đoàn Thái Bình Dương cho rằng không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp. Để ổn định công ty, vẫn cần phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm cổ đông lớn.

Ông Hoàng đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông thì được một số quyền như quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng việc dự thảo giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% là thông lệ tốt trên thế giới. Cổ đông có 1% của công ty cổ phần thì được một số quyền như dự thảo sửa đổi, quyền lợi cũng sẽ khác và họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp hơn.

CEO Intracom - ông Nguyễn Thanh Việt lại lo ngại về vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh. Ví dụ, đối thủ hoàn toàn có thể mua 1% cổ phần để làm khó dễ cho doanh nghiệp. Các cổ đông muốn có quyền lợi cao thì cần phải chuyên nghiệp. Giảm là đúng nhưng nếu giảm mạnh về 1% thì cần cân nhắc kỹ. 

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Luật Doanh nghiệp cần mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông. Do vậy, việc giảm tỷ lệ sở hữu bắt buộc từ 10% xuống 1% là hợp lý để đảm bảo cân bằng quyền lợi giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn, đồng thời cũng loại trừ các hành vi gây cản trở doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu cũng đề xuất Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho phép chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên (không phải là doanh nghiệp nhà nước) quyết định và lựa chọn cơ chế kiểm soát công ty phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, thay vì bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập Ban kiểm soát như quy định hiện hành.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KHĐT - ông Quách Ngọc Tuấn - thừa nhận, Luật Đầu tư và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ. Sự trùng lặp, chồng chéo giữa các Luật đã và đang gây nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Các hình thức đầu tư chậm được đổi mới, cập nhật trong luật, chưa thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới trong bối cảnh Cánh mạng công nghiệp lần thứ 4.

Khắc phục bằng cách nào?

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KHĐT Vũ Đại Thắng, sau 4 năm thi hành, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp. Môi trường đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng khoảng 65-70%, đạt mức cao nhất 20 năm qua.

Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án đăng ký và vốn đầu tư giải ngân tăng nhanh. Riêng năm 2018, vốn giải ngân đạt gần 20 tỷ USD.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, ban soạn thảo cần lưu ý về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thực hiện, có nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh. Điển hình là Grab và Uber, Fintech (công nghệ tài chính), AI (trí tuệ nhân tạo)…, một số ngành nghề không tồn tại, một số ngành nghề mới xuất hiện.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang rất vất vả với các loại hóa đơn và giấy tờ, nên cần có những quy định để giúp doanh nghiệp thuận lợi ứng dụng công nghệ quản lý thông tin. Ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều quy định của 2 luật này vẫn chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn, việc vận hành pháp luật kinh doanh của Việt Nam còn nhiều trở ngại.

Luật Đầu tư khắc phục được tình trạng chồng chéo sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới.

Luật Đầu tư khắc phục được tình trạng chồng chéo sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện vẫn còn nhiều đạo luật xung đột và chồng chéo trong các quy định, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ, tốn kém… Ông Tuấn chỉ ra 20 xung đột về các bộ luật, thông tư như: Luật Nhà ở tại Điều 171.2: yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng Luật Đầu tư tại Điều 33: quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

Do vậy, nếu Luật Đầu tư lần này khắc phục được tình trạng chồng chéo trên thì sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới - ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn, giải pháp cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề. Phối hợp và thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, PPP... Dùng một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát, gác cổng. Soạn luật cần chuyên nghiệp và độc lập, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép.

Theo Đời sống
back to top