Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII: Khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo cần được quan tâm đúng mức

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 6/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp hội Việt Nam) tổ chức hội thảo Góp ý Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chủ trì hội thảo là TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp hội Việt Nam; TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam.
Các đại biểu góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Các đại biểu góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Góp ý thẳng thắn, rõ ràng, không né tránh

TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp hội Việt Nam cho biết, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII đang được lấy ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân, Liên Hiệp hội Việt Nam là 1 trong 5 cơ quan tham gia góp ý về mảng Khoa học và Công nghệ, trong đó góp ý của Liên Hiệp hội Việt Nam được cho là tốt nhất, góp ý thẳng thắn, rõ ràng, không né tránh. Nhiều câu từ trong văn kiện liên quan đến kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ có nguồn gốc là do các nhà khoa học đã góp ý.

Góp ý vào Dự thảo Văn kiện, GS.TS Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam cho hay, chuyển sang cơ chế thị trường, nền giáo dục nước ta cũng chao đảo, muốn thực hiện thương mại hóa nền giáo dục, dẫn tới sự xáo trộn nhất là đối với hệ giáo dục đại học và chuyên nghiệp. Nhà nước đầu tư công sức cho giáo dục không ít nhưng thực sự chưa xứng tầm quốc sách hàng đầu. Các thầy, cô giáo ở nhiều trường đại học không có nghiên cứu khoa học vì còn phải lo cuộc sống hằng ngày. Như vậy, chất lượng đào tạo không thể nâng cao, nhất là đối với việc đào tạo tiến sĩ.

“Khoa học công nghệ cũng chưa được đối xử là quốc sách hàng đầu thông qua việc đầu tư ở mức thấp và cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập. Đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp chưa phải là nhu cầu cấp bách vì người lãnh đạo doanh nghiệp chỉ cần lách luật và nhập khẩu công nghệ là đã có lãi. Điều đó dẫn tới việc gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học còn xa vời. Chúng ta cần phải điều chỉnh tầm vĩ mô về định hướng phát triển kinh tế, ứng dụng công nghệ và xây dựng thoả đáng cơ chế, chính sách gắn khoa học với thực tiễn”, GS.TS Nguyễn Hữu Tăng phát biểu.

Cần tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức xã hội

Về mục tiêu phát triển, theo Dự thảo Văn kiện thì đến giữa thế kỷ này nước ta trở thành nước phát triển, nghĩa là phải phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa phải đảm bảo việc phát triền bền vững kinh tế gắn với bền vững xã hội và bền vững môi trường. Cần bổ sung điểm này vào mục tiêu tổng quát. Về quan điểm chỉ đạo cần khẳng định lại quan điểm giáo dục – đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đây là các lĩnh vực rất cơ bản để nước ta tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có thể trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21.

Đóng góp ý kiến, đại diện Tổng hội Cơ khí Việt Nam phát biểu, trong mục phát triển nguồn nhân lực, cần bổ sung chú trọng phát triển các trường đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hệ thống đào tạo nghề hiện nay cực kỳ yếu kém, chúng ta chỉ tâp trung đào tạo đại học và trên đại học. Đối với các nhà máy công nghệ tiên tiến hiện nay hầu hết đứng máy là kỹ sư, đó là điều đáng buồn. Trong khi đó, phải là vị trí của công nhân kỹ thuật.

Ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam góp ý: “Tại trang 3 báo cáo chính trị có đánh giá “Giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển… Khoa học và công nhệ từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội”. Tôi cho rằng nhận định như vậy là chưa chính xác. Cho đến nay, ở nước ta, khoa học và công nghệ chưa thể coi là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế nước ta phát triển chủ yếu vẫn nhờ vào lao động giản đơn giá rẻ và vốn FDI. Vì vậy, cần viết lại thành “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển, đang từng bước trở thành động lực trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Một trong những vấn đề nhức nhối ngày càng trở nên gay gắt ở đất nước chúng ta ngày nay là đời sống càng đi lên thì môi trường văn hóa, môi trường sống có nhiều biểu hiện xuống cấp. Đây là vấn đề xã hội nên phải huy động toàn xã hội chung tay, chung sức mới mong giải quyết được. Tuy nhiên, trong báo cáo chính trị chưa thấy đề cập đến vai trò của các tổ chức xã hội cũng như sự cần thiết phải tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức xã hội tham gia cùng chính quyền giải quyết các vấn đề xã hội nói chung cũng như chống sự xuống cấp của môi trường sống, môi trường văn hóa nói riêng”.

Những ý kiến đóng góp tại buổi hội thảo sẽ được tập hợp gửi đến Ban Biên tập Văn kiện Đại hội Đảng XIII trong thời gian sớm nhất.

Theo Đời sống
back to top