Giúp con vượt qua đại dịch Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Giãn cách xã hội trong thời kỳ dịch Covid-19 khiến cha mẹ và con cái ở nhà suốt ngày. Nhiều vấn đề căng thẳng, lo lắng, áp lực xảy ra cho cả nhà. Để tránh áp lực cho con, hãy lắng nghe và dành sự chú ý nhiều nhất cho con.

Giãn cách xã hội trong thời kỳ dịch Covid-19 khiến phụ huynh không thể đi làm, trường học đóng cửa, cả gia đình ở nhà suốt ngày. Bên cạnh đó, lo lắng vì sinh kế, thu nhập… khiến bạn căng thẳng, lo lắng và áp lực.

Hãy cố gắng nhìn nhận điều đó dưới khía cạnh khác, để giảm bớt những stress của chính bạn cũng như con cái. Trường học đóng cửa cũng là cơ hội để cải thiện mối quan hệ của chúng ta với con cái. Thời gian ở nhà cùng nhau nên biến thành khoảng thời gian tự do, vui vẻ, giúp trẻ cảm thấy được yêu mến và an toàn. Đồng thời, cũng làm cho con cái thấy mình quan trọng thế nào đối với cha mẹ và gia đình.

Nguyên tắc quan trọng nhất trong thời gian này là: Hãy lắng nghe con, dành sự chú ý nhiều nhất cho con. Hãy vui vẻ!

Một vài mẹo dưới đây giúp bạn có khoảng thời gian giãn cách xã hội thoải mái nhất.

1. Hãy sắp xếp thời gian để chơi với con: Đó có thể chỉ là 10 - 20 phút hoặc dài hơn tùy thuộc vào bạn và con. Nên biến những phút giây đó thành khoảng thời gian hàng ngày mà con trẻ có thể cùng chuẩn bị và chờ đợi. Nhớ tắt tivi và điện thoại vào lúc này.

2. Hãy hỏi xem con muốn làm gì: Tôn trọng ý muốn của trẻ bằng cách hỏi xem con muốn làm gì trong khoảng thời gian cùng nhau này. Việc để con tự đề xuất điều mình muốn sẽ xây dựng sự tự tin của con. Nếu con muốn làm thứ gì đó không ổn về cách ly, giãn cách thì hãy coi đấy như một cơ hội để nói chuyện với con về vấn đề này và giúp trẻ lựa chọn đúng đắn hơn.

3. Sắp xếp các hoạt động cùng nhau phù hợp lứa tuổi của trẻ: Với các trẻ rất nhỏ, hãy ghi lại biểu hiện khuôn mặt và những âm thanh của trẻ tạo nên; hoặc cùng nhau hát, tạo âm thanh với đũa, thìa…; hoặc cùng xếp cốc, hộp, đồ chơi; hoặc kể chuyện, đọc truyện hoặc xem tranh.

Với trẻ lớn hơn: Trẻ sẽ thích thú nếu được cùng bố mẹ đọc một quyển truyện hoặc xem tranh; hoặc cùng vẽ tranh, tô màu; cùng nhảy hoặc cùng hát 1 bài. Bạn cũng có thể sắp xếp để cùng làm một việc trong nhà, biến việc lau dọn và nấu nướng thành một trò chơi, cả nhà cùng nhau chuẩn bị bữa ăn.

Nếu trẻ đã đi học tiểu học, hãy giúp trẻ làm bài tập hoặc học online, nhưng không làm hộ.

Khi con đã là thiếu niên, hãy nói chuyện về thứ mà con thích như thể thao, âm nhạc, các ngôi sao, bạn bè; hoặc cùng nấu món yêu thích; hoặc cùng làm vài thứ mà con yêu thích như xem bộ phim yêu thích, tập hát, vẽ tranh, làm đồ thủ công…

ThS.BS Trần Thu Nguyệt (Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top