“Giữa thầy và trò không có thua và thắng, chỉ có ân hận hay tự hào”

(khoahocdoisong.vn) - Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trong mối quan hệ giữa thầy và trò không có thua và thắng, chỉ có ân hận hay tự hào.

Video trò chuyện với TS Nguyễn Tùng Lâm

Không có người thầy tốt, không thể có nền giáo dục tiên tiến

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội chia sẻ, trong đổi mới giáo dục hiện nay phải làm sao rõ được sứ mệnh của người thầy, để người giáo viên nhận thức được sứ mệnh của mình, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Vì không có được người thầy tốt, thực hiện được sứ mệnh của mình thì không thể có một nền giáo dục tiên tiến và nhân văn được.

Sứ mệnh của người thầy chính là phải thực sự hiểu học trò, khích lệ, động viên để mỗi học trò trong những điều kiện, hoàn cảnh của mình được đều phát triển được, chứ không phải sự áp đặt, buộc học trò phải tuân theo.

TS Nguyễn Tùng Lâm trò chuyện cùng PV Báo Khoa học và Đời sống.

TS Nguyễn Tùng Lâm trò chuyện cùng PV Báo Khoa học và Đời sống.

Ông Lâm kể câu chuyện, một cô giáo chủ nhiệm mới ra trường đã tìm ra được thủ phạm đốt pháo trong nhà trường. Sau đó, học sinh này bị đuổi học.

Nhưng sau 5 năm thì cô mới nhận ra được rằng, trong số những học sinh bị đuổi học có em tiếp tục học bổ túc, có em làm nghề nhưng có em bị kẻ xấu lôi kéo.

Và cô ấy đã rút ra được rằng, trong mối quan hệ giữa thầy và trò, không có thua và thắng, mà chỉ có ân hận và niềm tự hào.

Ân hận là vì những phương pháp giáo dục của mình chưa phù hợp với học trò, chưa đúng với nguyên tắc giáo dục cụ thể, không giúp học sinh vượt ra chính mình để tồn tại và phát triển trong cuộc sống.

Còn tự hào là ngược lại, khi có cách giáo dục phù hợp giúp học trò phát triển vượt qua được chính mình. Nên trong giáo dục hiện đại hiện nay thầy cô giáo cần được trang bị những kiến thức về tâm lý giáo dục để chủ động tìm ra các phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi học sinh chứ không phải dùng uy lực của thầy cô áp đặt lên học trò thì không thành công.

Đặc biệt, trong giáo dục hiện nay, giáo viên thường không chấp nhận những cá tính, yếu kém của học sinh (theo quan niệm một chiều của giáo viên). Chỉ những học sinh “chăm ngoan” mới được giáo dục. Điều này không đúng. Các thầy cô cần phải chấp nhận mọi biểu hiện của học sinh để từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

“Ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, giáo viên thực hiện theo đúng bốn bước, trước hết phải giúp học sinh thấy thích học, thứ hai là biết cách học, thứ ba là có thói quen học và thứ tư là học có kết quả.

Chứ không phải các thầy cô giáo cứ “đổ” kiến thức ra không biết các em có nắm được hay không. Thầy cô không giúp các em vận dụng kiến thức vào cuộc sống, để tự tin, làm những bài tập vừa sức của mình. Vẫn chạy theo thành tích và áp lực thi cử”, ông Lâm nói.

"Tại sao có bạo lực học đường, theo tôi có một nguyên nhân quan trọng đó là các thầy cô giáo không quan tâm, thương yêu học trò. Nhưng cái chính là các thầy  cô không biết sứ mệnh của mình để giúp đỡ học trò.

Điều này cũng xuất phát từ các trường đào tạo giáo viên, chúng ta cũng bị chạy theo kiến thức khoa học mà không dạy cho người giáo viên thấy được sứ mệnh của mình”, TS Nguyễn Tùng Lâm.

Để giáo dục học sinh, trước hết phải hiểu

Cô giáo Nguyễn Lương Thiện, một giáo viên chủ nhiệm của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội chia sẻ, với một mô hình nhà trường không được tuyển chọn đầu vào, với những lớp thuộc top cuối trong trường, việc giáo dục là điều khó khăn hơn gấp bội.

Bởi vì trong một tập thể lớp, nếu chỉ có số ít học sinh có khó khăn lệch lạc, thì định hướng giáo dục theo kiểu nêu gương hoặc dùng môi trường để khích lệ sẽ rất thuận.

Nhưng với một tập thể với nhiều học sinh cùng khó khăn thì việc giáo dục sẽ trở nên rất khó khăn vất vả.

Cô Thiện chia sẻ câu chuyện của mình, khi cô nhận lớp chủ nhiệm chuyển giao tử cô khác nên chưa có thời gian để tìm hiểu kỹ về học sinh.

Có một phụ huynh rất quan tâm đến con từ việc đóng học phí cho đến hỏi han việc học của con. Chị nhờ cô nói chuyện với con vì cháu giận mẹ, hai năm nay không nói chuyện với mẹ. Anh chị đã ly hôn và con hiện ở với bố và bà.

Lúc đó cô chỉ thấy cậu học trò thật đáng trách. Đi học thì hay đi muộn, nghỉ, đến lớp thì ngủ, chả thiết tha gì với việc học. Cộng với cách cư xử với mẹ như vậy cô nghĩ cậu là một người học sinh hư.

Nhiều lần cô nói chuyện với học sinh này về những điều tốt đẹp mẹ đã dành cho cậu để mong cậu hiểu, mở lòng thay đổi... nhưng không có kết quả. 

Trong một lần lớp đi chụp ảnh kỷ yếu cậu là người đã cởi chiếc áo khoác đưa cô mặc vì chiều tối trời se lạnh. Cô cảm động nhắn tin cho cậu rằng em sống rất tình cảm, vậy mà sao với mẹ lại khó khăn vậy?

Cậu nhắn lại rồi con sẽ kể cô nghe. Và con đã chia sẻ lý do không thể tha thứ cho mẹ khiến cô vô cùng bất ngờ. Thì ra, mẹ cậu đã có quan hệ bất chính với chính bác rể và từ khi cậu còn bé, mẹ cậu xui cậu nói dối bà là đi chơi với bạn mẹ nhưng thực ra là đi với bác.

Cậu nói, đã rất xấu hổ, đến giờ cũng chưa dám nhìn mặt con của bác. Còn cô giáo cũng thấy xấu hổ với mình khi không hiểu hết mọi chuyện mà đã quy chụp cho cậu. Sau đó, cậu đã thay đổi.

Từ câu chuyện của mình, cô Thiện cho biết, mỗi giáo viên chủ nhiệm luôn luôn phải đầu tư thời gian để tìm hiểu về học sinh vì mỗi học sinh sẽ có một hoàn cảnh, một cá tính, suy nghĩ khác nhau, không thể giáo dục học sinh theo một cách mà phải vận dụng nhiều phương pháp khác nhau cho phù hợp.

Không thể giáo dục học sinh theo một cách mà phải vận dụng nhiều phương pháp khác nhau cho phù hợp. Và với người thầy, trong mối quan hệ với học trò, đúng như GS.TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, không có thua hay thắng mà chỉ có ân hận hay tự hào.

Chỉ khi ta hiểu học trò, hiểu hoàn cảnh của trò thì mới có thể đưa ra được những quyết định phù hợp. 

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top