Giữ tâm tử tế, tự tôn khi chọn nghề báo

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự “lên ngôi” của mạng xã hội đã và đang mang đến những thay đổi lớn trong tác nghiệp báo chí. Tuy nhiên, dù có thay đổi đến đâu, đích đến của những người làm báo vẫn là dẫn dắt người đọc đi đến tận cùng của cảm xúc và sự thật. Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), Khoa học và Đời sống đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc để cùng lắng nghe chia sẻ về nghề báo.
doan-hang-c.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Điện tử Dân Việt): Phải viết gì đó có sức nặng

Nhìn lại gần 30 năm làm báo tôi thấy rất rõ sự thay đổi trong nghề. 30 năm trước mới ra trường tôi làm báo rất hồn nhiên, viết bài vào tờ giấy vở học sinh rồi mang ra hàng vi tính thuê gõ, gửi đến tòa soạn. Giờ thì máy tính, điện thoại di động, internet... có thể gọi trao đổi với bất kỳ ai, làm báo viết bài ở bất kỳ đâu, tác nghiệp tiện lợi hơn nhiều. Nhưng suy cho cùng, thời nào cũng vậy, trang viết cũng như cuộc đời, bao giờ cũng thế, nó phải thắp lên trong người ta cái khát vọng được đi đến tận cùng của cảm xúc và sự chứng thực.

Với tôi, nghề viết đích thực như bạn đang xây dựng một cái cầu thang. Bài viết hay hôm nay, thời gian làm việc tốt hôm nay sẽ đắp bồi uy tín, cảm xúc, tri thức, kinh nghiệm để bạn có thêm một nấc thang mới. Nó đưa bạn lên một tầm vóc cao hơn. Nghề viết không có tuổi hưu, "gừng càng già càng cay". Bài bản, kỹ tính, bình tĩnh và kiên quyết giữ bằng được sự trong sáng với nghề, nghề còn nuôi mình chu đáo mãi, chứ không chỉ là ăn xổi.

Người ta bảo giờ là thời mạng xã hội “lên ngôi” nhưng với tôi, phóng sự báo chí khác facebook hay zalo, không phải là thấy cái gì “đẩy” cái đó lên, xem xong, đọc xong là hết chuyện. Phóng sự báo chí có câu chuyện, có sự nhập vai điều tra và phân tích định hướng, tìm lối ra minh bạch cho câu chuyện. Cái giữ chân công chúng ở lại với tác phẩm của nhà báo phải là bản sắc, cá tính, để người ta “đi theo” nhà báo này chứ không phải nhà báo khác.

Muốn dẫn dắt độc giả làm theo tác phẩm của mình, nhà báo phải cho người ta xúc cảm, cười hay khóc với tác phẩm đó, rồi độc giả họ mới thay đổi suy nghĩ mà tiến tới hành động vì các giá trị ấy. Khi làm được điều đó, tác phẩm báo chí mới có tác động xã hội được.

Cuộc đời đã dạy tôi phải viết gì đó cho ngòi bút của mình có sức nặng hơn, tha thiết với từng phận người hơn. Tôn vinh cái Thiện, góp tiếng nói, cung cấp tài liệu kiến nghị ngành công an và cả xã hội cùng điều tra diệt trừ cái ác. Một phóng sự của tôi có thể khiến cả đường dây lãnh án 70 năm tù. Đưa người khác đi tù có gì hạnh phúc đâu(!). Nhưng chia sẻ để thấy tác động xã hội của báo chí rất lớn và điều đó giúp tôi củng cố niềm tin vào sức mạnh của truyền thông, tin vào sức mạnh của cái nghề mà mình chọn – sức mạnh của quyền lực thứ 4 trong xã hội...

Đỗ Doãn Hoàng là một nhà báo chuyên phóng sự điều tra nổi tiếng hiện công tác tại Báo Điện tử Dân Việt. Trước đó anh từng công tác các báo Thanh niên, Lao động, An ninh thế giới, Công an nhân dân. Anh là giảng viên kiêm nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên tuyền. Đỗ Doãn Hoàng nổi tiếng với nhiều phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký, truyện ngắn, truyện dài... Anh đã 6 lần nhận các giải A, giải B của các giải thưởng lớn như Giải báo chí Quốc gia, Giải báo chí Phòng chống tham nhũng, Giải Nhất Báo chí về Môi trường...

img_5101.jpg
Nhà báo Hồ Thu Thủy.

Nhà báo Hồ Thu Thủy (Trưởng ban Kinh tế, Tạp chí Gia đình Việt Nam): Nghề báo là một chọn lựa thách thức

Dường như nghề Báo chọn tôi, nên đến nay đã 39 năm tôi cầm thẻ Nhà Báo. Vào nghề từ năm 1983, liên tục từ đó đến nay tôi vẫn đắm đuối với nghề đã chọn. Bạn hỏi tôi làm báo bây giờ sướng hay khổ hơn ngày xưa? Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng theo tôi, làm báo thời nay sướng hơn rất nhiều.

Thời chúng tôi, làm báo là những chuyến đi nối dài, chen tàu chen xe, là những đêm ngủ chập chờn nơi nhà khách, thậm chí là cung đường lấm lem dầu mỡ, là những ngày con khóc vì nhớ mẹ, còn mẹ thì đau vì tức sữa... chưa nói đến công nghệ bây giờ hỗ trợ rất nhiều cho nhà báo...

Chọn nghề báo là nghề vất vả gian nan, phụ nữ làm báo còn phải chịu nhiều áp lực hơn, làm sao để hài hoà giữa công việc với cuộc sống gia đình đã là một gánh nặng, không phải ai cũng dễ dàng vượt qua. Theo tôi, phụ nữ, khi đã chọn nghề báo, trước hết, phải trang bị cho mình hành trang kiến thức và kỹ năng thật tốt, để có thể làm nghề một cách chân chính, có những bài viết mang lại hiệu ứng tích cực trong xã hội. Phụ nữ làm báo cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước những hiểm nguy có thể xảy ra.

Có thể bạn không tin, nhưng với tôi, đôi khi đặc tính mềm mại, nhẹ nhàng của phụ nữ lại là ưu thế giúp mình tiếp cận vấn đề, tiếp cận đối tượng trong quá trình tác nghiệp. Nghề báo là một nghề rất đặc thù, bất cứ ai lựa chọn làm báo cũng phải đối mặt với những khó khăn, vất vả bên cạnh cơ hội mà nghề mang lại. Nghề báo với tôi như duyên như nợ, đã yêu và đam mê thì không thể dứt được.

Gần 40 năm theo nghề, yêu nghề, say nghề, nhà báo Hồ Thu Thủy đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huy chương vì sự nghiệp Giao thông vận tải, vì sự nghiệp Báo chí, vì sự nghiệp Công đoàn, vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ, vì sự nghiệp LĐ-TB&XH và nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Công đoàn Giao thông vận tải, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam...

gia-hien-c.jpg
Nhà báo Phạm Gia Hiền.

Nhà báo Phạm Gia Hiền (Trưởng ban Phóng viên, Tạp chí Ngày Nay của UNESCO): Giữ tâm tử tế, tự tôn với nghề

Được làm việc mình thích là niềm hạnh phúc, nhưng làm tốt việc mình thích là sự may mắn. Tôi may mắn có cả hai thứ ấy với nghề báo. Từ nhỏ tôi đã tin rằng lớn lên sẽ theo nghề báo bởi bị ảnh hưởng rất nhiều từ bố - một người làm truyền hình. Tôi thuộc số ít những người tìm được đam mê và kiên trì với nó cả cuộc đời. Dù làm báo hay làm nghề gì trong xã hội hiện nay, cơ bản bạn sẽ ở 2 tâm thế: trong hệ thống và ngoài hệ thống. Làm báo trong hệ thống là xác định gắn bó lâu dài với cơ quan báo chí.

Tâm thế thứ hai là hoạt động như một cây viết tự do ngoài hệ thống. Thứ mọi người hay gọi là “quyền lực báo chí” thực sự tồn tại, và tồn tại hiển nhiên. Tuy nhiên, một nhà báo có trách nhiệm, tự trọng không bao giờ xem quyền lực báo chí là quyền lực cá nhân. Đó là quyền lực của thông tin, của tòa soạn nơi nhà báo công tác, là quyền lực của ngành báo chí nói chung.

Các bạn trẻ thường nghĩ nghề báo được nổi tiếng, được đi nhiều nơi, bảo vệ lẽ phải, có đủ tiền trang trải cuộc sống... tôi nghĩ cũng đúng. Nếu hỏi nhà báo có giàu không thì rất khó nói nhưng nếu theo chuẩn mực thành công là tiền bạc và nổi tiếng thì tôi quan niệm, nếu bạn dồn hết tâm sức, sự say mê vào làm một việc gì trong 10 năm thì chắc chắn bạn sẽ thành công.

Nghề báo là người “phu chữ”, “phu thông tin” nên dù không ai ép nhưng bạn sẽ bị chạy theo thông tin. Khi các phóng viên ra hiện trường lấy thông tin và thể hiện nó thành sản phẩm là họ đang kể chuyện. Với một người kể chuyện thì điều gì quan trọng nhất? Đó là sự quan sát chi tiết, việc sử dụng, thu nhận và cung cấp thông tin. Nhà báo giỏi là làm sáng bóng chi tiết và kể câu chuyện một cách hấp dẫn nhất.

Làm nghề báo phải gánh vác đủ những cảm xúc tích tụ từ những câu chuyện, nhân vật, nặng nề lắm! Nghề báo cũng có thể đẩy bao người vào tù, cũng kéo họ ra tù và đưa họ về nhà. Mình cứ làm nghề tử tế thì không sợ dư luận. Mình giữ cái tâm mình tử tế, mình tự tôn với nghề thế là được.

Nhà báo Phạm Gia Hiền khởi nghiệp tại Đài Truyền hình Việt Nam, từng gây ấn tượng với khán giả cả nước qua "Tiêu điểm" - chương trình bình luận các vấn đề xã hội của VTV1. Hiện tại, anh ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực, từ báo viết, báo hình cho tới các hoạt động xã hội.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top