Giới hạn an toàn của ethylene oxide trong thực phẩm

Việt Nam hiện chưa có quy định về việc sử dụng hợp chất ethylene oxide (EO) hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Ethylene oxide (EO) là một hóa chất nhân tạo tồn tại ở dạng khí trên 10°C, không tồn tại lâu trong môi trường do tính chất dễ bị phân hủy của nó. EO được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu hun trùng, khử trùng để xử lý thực phẩm.

Do đó, ở một số quốc gia, các nhà máy sử dụng loại khí này để khử trùng gia vị và vật liệu, bao bì đóng gói, để giảm sự xuất hiện của vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm. Do tính dễ bay hơi, cặn EO trong thực phẩm sau xử lý có thể tiêu biến hoàn toàn theo thời gian.

Giới hạn an toàn của ethylene oxide trong thực phẩm ảnh 1
Việc sử dụng Ethylene Oxide (EO) trên thực phẩm đang bị loại bỏ dần trên toàn thế giới, do những lo ngại về sức khỏe liên quan đến dư lượng EO có thể tồn tại trong thực phẩm.  (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc sử dụng EO trên thực phẩm đang bị loại bỏ dần trên toàn thế giới, do những lo ngại về sức khỏe liên quan đến dư lượng có thể tồn tại trong thực phẩm cho đến khi chúng được tiêu thụ.

Các giải pháp thay thế an toàn hơn, chẳng hạn như chiếu xạ thực phẩm hoặc xử lý hơi nước, đang ngày càng được sử dụng để thay thế quá trình hun trùng bằng EO.

 EO là một hóa chất gây kích ứng và gây đột biến cao, ảnh hưởng đến chu kỳ sinh sản của động vật và được xem là làm tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật di truyền và dẫn đến ung thư ở người.

EO được Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) phân loại là chất gây đột biến, chất gây ung thư và chất độc lên quá trình sinh sản. Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Do đó, cần giảm thiểu việc tiếp xúc với EO.

Dự thảo đánh giá rủi ro năm 2020 của Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) cho rằng, hít phải EO có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu (chẳng hạn như u lympho không Hodgkin, u tủy xương và bệnh bạch cầu lympho bào) và có thể gây ung thư vú.

Trẻ em được cho là dễ bị nhiễm EO hơn người lớn; những người tiếp xúc với EO sớm có nhiều khả năng bị ung thư sau này trong cuộc sống. Tiếp xúc mạn tính với EO cũng có thể gây ra các triệu chứng thần kinh, bao gồm mất trí nhớ và suy giảm khả năng phối hợp tay và mắt.

EO đã bị cấm để làm thuốc trừ sâu từ năm 1991 và bị cấm như một sản phẩm đầu ra trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ năm 2011 ở châu Âu.

Còn đối với quy định EO trong thực phẩm, châu Âu ban hành quy định 396/2005 về mức dư lượng tối đa của thuốc trừ sâu trong hoặc trên thực phẩm.

EO không được phép sử dụng cho mục đích khử trùng trong phụ gia thực phẩm. Luật châu Âu quy định mức dư lượng tối đa đối với các sản phẩm ngành gia vị được trình bày ở bảng dưới đây:

Bảng 1: Mức dư lượng tối đa EO theo châu Âu

Nhóm sản phẩm
Mức dư lượng tối đa của châu Âu (phần triệu)
Gia vị (kể cả gừng khử nước)
0,10
Các loại thảo mộc
0,05
Tỏi khử nước, hành tây, ớt bột và cà chua
0,02

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6382/VPCP-KGVX ngày 12/9/2021 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vụ mỳ ăn liền Hảo Hảo nhiễm ethylene oxide bị thu hồi tại một số nước châu Âu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế căn cứ quy định tại Điều 62 Luật An toàn Thực phẩm, khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất EO bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương rà soát, cập nhật và thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm... trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.

TS.DS Võ Thị Hà - Tăng Vân Hải (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top