Gió vượt đèo là hiệu ứng phơn

(khoahocdoisong.vn) - Trong khí tượng học thì hiện tượng gió vượt đèo được gọi là Phơn (foehn).

Hỏi: Hiệu ứng phơn (hay gió khô nóng) là gì?

Lê Hùng Anh (Hà Nội)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Trong khí tượng học hiện tượng gió vượt đèo được gọi là Phơn (foehn). Từ bên sườn núi đón gió, không khí chuyển động đi lên, càng lên cao không khí càng bị lạnh dần đi rồi ngưng kết tạo thành mây cho mưa ở sườn đón gió, đồng thời thu thêm nhiệt do ngưng kết toả ra.

Sau khi vượt qua đỉnh đèo, gió thổi xuống bên này núi, khi đó không khí đã trở nên khô hơn, nhiệt độ của nó tăng dần lên do quá trình không khí bị nén đoạn nhiệt, do vậy đến chân núi bên này không khí trở nên khô và nóng hơn so với không khí ở sườn đón gió. Hiện tượng này gọi là “Phơn” và hiệu ứng tăng giảm nhiệt, ẩm gọi là “Hiệu ứng phơn”.

Hiệu ứng phơn càng mạnh nếu không khí đến bên sườn đón gió càng ẩm và đỉnh núi càng cao. Ví dụ với dãy núi cao 3.000m, nhiệt độ không khí bên kia núi là 10 độ C, sang chân núi bên này nhiệt độ đó lên tới 18 độ C.

Theo Đời sống
back to top