Giờ làm không phải “thủ phạm” tắc đường

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng nhận định, tắc đường ở các đô thị là do hạ tầng giao thông kém, lưu lượng xe đông, quy hoạch chưa tốt… chứ không phải là do giờ làm.

“Bệnh” chữa nhiều không khỏi

Sáng 31/10, tại kỳ họp Quốc hội thứ  đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Chính phủ thay đổi giờ làm việc để đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo hạnh phúc gia đình. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đưa giải pháp thay đổi khung giờ làm việc, buổi sáng bắt đầu từ 8h30 và kết thúc vào lúc 17h đối với khối dịch vụ công, các đơn vị giáo dục công lập. Trong đó, giờ nghỉ trưa kéo dài 1 giờ. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc đã nói đến nhiều rồi, nhưng không áp dụng được. Có thể hiểu là bệnh đã chữa bằng phương thuốc này nhiều lần, nhưng không khỏi. Thế thì việc tiếp tục đề xuất một phương thuốc cũ cũng sẽ không có hiệu quả nữa.

Hơn nữa, tắc đường ở các đô thị do nhiều yếu tố khác nhau, giờ làm không phải là nguyên nhân.

Nhưng cứ giờ cao điểm là đường tắc?

Thực ra thì những chỗ tắc, lúc nào cũng tắc cả. Thủ phạm gây tắc đường là lưu lượng xe quá đông, đường xá không nâng cấp, mở rộng kịp với tốc độ phát triển. Trong khi đó quy hoạch đô thị không đúng trọng tâm, không bài bản, không tính toán để thay đổi được dòng chảy của cư dân vào trong nội đô.

Nhìn từ trên cao xuống thấy rõ tất cả các dòng xe đều đổ dồn về trung tâm. Rồi hiện nay nhiều cơ quan cũng điều chỉnh giờ, có nơi 7h, có nơi 9h, nhưng đường thì lúc nào cũng tắc.

Tình trạng tắc đường chỉ xảy ra ở những thành phố đông dân cư, phải chăng vì người đông nên tắc?

Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa… có tắc đường đâu. Đó một phần là do quy hoạch không đúng. Hà Nội mở rộng theo hình tia chứ không theo hình vòng cung với các đô thị vệ tinh. Do đó người người cứ đổ về trung tâm, trong khi các vùng ven như Sơn Tây thì gần như không thu hút được dân cư do hạ tầng chưa đồng bộ.

Nguyên tắc của quy hoạch đô thị là làm theo vòng tròn, có nhiều thành phố vệ tinh. Trong khi ta làm theo hình các tia. Sơn Tây đổ về Hà Nội, Hà Đông cũng đổ về Hà Nội, Ba Vì cũng đổ xuống Hà Nội. Cứ quan sát thì thấy lối vào nội đô buổi sáng chật nịch, còn buổi chiều thì lối ra tắc nghẽn. Đó là lỗi của người làm quy hoạch.

Thực ra Hà Nội cũng đã từng tính đến quy hoạch các đô thị vệ tinh?

Quy hoạch kiểu này làm các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Đông Anh, Hà Đông, Phúc Yên… bị “chết”. Người ta không đến các đô thị vệ tinh này mà vào thẳng nội đô.

Tôi tưởng tắc đường là do nhiều xe quá, mà đường thì nhỏ?

Đó cũng là một nguyên nhân. Không có một thành phố nào có đến gần chục triệu dân mà lại không có tuyến tàu điện ngầm nào. Giao thông công cộng còn quá thiếu thốn, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi số dân ở các thành phố lớn tăng lên không ngừng do lượng người nhập cư làm ăn sinh sống mỗi ngày một nhiều.

Nghỉ 1 tiếng, khó làm hiệu quả

Cũng theo đề xuất này thì thời gian nghỉ trưa sẽ chỉ có 1 tiếng đồng hồ. Giờ làm việc, buổi sáng bắt đầu từ 8h30 và kết thúc vào lúc 17h đối với khối dịch vụ công, các đơn vị giáo dục công lập. Trong đó, giờ nghỉ trưa kéo dài 1 giờ. Điều này có phù hợp?

Một số quốc gia trên thế giới bắt đầu giờ làm việc từ 9h sáng, thời gian nghỉ trưa ngắn, song họ đã quen với điều đó, bởi thể trạng của họ rất tốt. Tuy vậy, nếu áp dụng điều này ở nước ta có lẽ hơi khiên cưỡng và không phù hợp, không nên.

Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, nếu nghỉ trưa chỉ 1h thì làm việc khó có hiệu quả. Người còn mệt mỏi đã phải làm việc buổi chiều thì không nên. Rồi giờ tan tầm, chúng ta cũng đã quen với nếp sinh hoạt rồi, nên rất khó thay đổi.

Liệu việc thay đổi giờ ấy có làm người ta sống hạnh phúc hơn, như đề xuất nêu?

Nếu đổi giờ làm mà hạn chế được tắc đường thì chắc có lẽ người ta cũng sẽ hạnh phúc hơn, đỡ cáu giận hơn, làm việc có hiệu quả hơn.

Vấn đề là không giải quyết được tắc đường, lịch sinh hoạt lại xáo trộn, hiệu quả làm việc lại không cao, thì khó mà có thể hạnh phúc hơn lắm.

Vậy rõ ràng đây là một ý tưởng không mới?

TP Hà Nội cũng áp dụng việc đổi giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông nhưng cuối cùng sự ùn tắc vẫn còn. Thay đổi giờ làm của cơ quan công quyền ảnh hưởng đến người dân, làm xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt.

Tôi cho rằng không nên đặt vấn đề này mà hãy giải bài toán giao thông, đường xá, phương tiện, quy hoạch.

Nên lấy ý kiến rộng rãi

Ông có thường xuyên bị tắc đường?

Có chứ, tôi nghĩ nếu ở Hà Nội, đã tham gia giao thông là phải đối mặt với tắc đường. Nhưng giữa giờ làm việc và thời điểm tắc đường không tương quan với nhau.

Nếu thay đổi giờ làm việc thì lưu lượng xe cũng không giảm là bao. Không giống như ngày lễ Tết là ít hẳn xe cộ vì số người đi lại trong thành phố ít hơn.

Ở góc độ bài toán quy hoạch, theo ông thì nên làm gì để giảm ùn tắc?

Phải xây dựng nhiều đô thị vệ tinh khác nhau, để người ta ít phải di chuyển hơn. Ví dụ như người ở  Sơn Tây ít di chuyển vào nội thành hơn, người trong nội thành cũng ít phải di chuyển ra bên ngoài hơn. Ở các nước người ta đều làm như vậy, chứ không làm kiểu chỉ có một trung tâm, người người đổ vào đó.

Thông thường sự thay đổi nào cũng gặp phải sự phản đối. Giả sử chúng ta nhất quyết đồng loạt đổi giờ làm, sẽ tác động thế nào đến đời sống?

Tôi lấy ví dụ, hiện nay, giờ làm việc từ 8h sáng, nếu điều chỉnh giờ làm việc ở khối giáo dục sang 8h30 hay 9h, bố mẹ đi làm sớm hơn giờ con đi học thì lại phải loay hoay tìm chỗ gửi như thế nào, nhờ người đưa đi học ra sao?

Bố mẹ đi làm muộn hơn, về muộn hơn thì con cái ai đón? Rồi nhiều phụ nữ ở nước ta làm gần nhà thì trưa còn có thói quen về nấu cơm cho bố mẹ, cho chồng con, mà chỉ được nghỉ 1 tiếng thì tính sao?

Thì phải thay đổi thói quen thôi?

Nó sẽ làm xáo trộn rất nhiều cuộc sống bình thường. Nếu nhất thiết áp dụng điều chỉnh giờ làm thì nên nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc dần trong một số khu vực, nếu thấy khả thi và ích lợi thì chúng ta nghiên cứu tiếp và dần dần mở rộng ra.

Đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến nhân dân, kể cả những người không trong diện bị điều chỉnh giờ làm.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Để chứng minh cho sự cần thiết phải đổi khung giờ làm hiện nay, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đã nêu ra 5 lợi ích. Một là khi giờ làm việc buổi sáng muộn hơn mọi người trong một gia đình có đủ thời gian để đi làm, đi học cùng một lúc mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí. Thứ hai là về sức khỏe của công nhân, viên chức và người lao động. Giấc ngủ trưa ngắn khoảng 20 – 30 phút sẽ giúp tái tạo năng lượng, cải thiện trí nhớ, tăng cao hiệu quả làm việc. Lợi ích thứ ba là về sức khỏe học sinh và quan hệ gia đình, nếu thực hiện việc đổi giờ làm thì cha mẹ có đủ thời gian lo cho con cái ăn uống đầy đủ, cơ thời gian quan tâm đến sinh hoạt của con trường. Thứ tư là về quan hệ xã hội được tăng cường và kỷ cương làm việc bảo đảm. Thứ năm là về tiết kiệm năng lượng, nếu thực hiện khung giờ làm việc từ 8 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều sẽ tiết kiệm được năng lượng do không sử dụng điện chiếu sáng trong khoảng 1, 1 tiếng rưỡi mỗi ngày.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top