Giáo viên kiến nghị gì khi Bộ trưởng ngồi ghế nóng?

Đã có rất nhiều những tâm tư, kiến nghị của giáo viên liên quan đến thi cử muốn gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong phiên Bộ trưởng đăng đàn chất vấn hôm nay.

Xem xét lại việc "lạm dụng" thi trắc nghiệm

Trao đổi với KH&ĐS, thầy giáo Đào Tuấn Đạt (giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, kiến nghị mà thầy muốn gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng như các đại biểu trong phiên chất vấn ngày hôm nay đó là thay đổi cách kiểm tra đánh giá, xem xét lại đối với việc lạm dụng thi trắc nghiệm.

bo-truong-nguyen-kim-son-2.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ ngồi ghế nóng chất vấn sáng nay. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Theo thầy Đạt, chương trình phổ thông 2018 thay thế chương trình phổ thông hiện hành là bước ngoặt, dẫn tới một nền giáo dục phổ thông mới, tiếp cận gần hơn với chương trình của các nước có nền giáo dục tiến bộ. Thay vì chương trình theo hướng tiếp cận nội dung là chương trình theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực.

Ở chương trình hiện hành, “đầu vào” là kiến thức và “đầu ra” vẫn là kiến thức. Ở chương trình mới, “đầu vào” là kiến thức nhưng “đầu ra” là phẩm chất, năng lực.

"Chính vì sự khác biệt này mà việc thi cử, kiểm tra phải thay đổi. Việc lạm dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan như hiện nay cần được xem xét lại, đặc biệt trong các kỳ thi quan trọng dùng để tuyển sinh", thầy Đạt nói.

Thầy Đạt cho biết, thi là đánh giá đầu ra của việc học. Chương trình cũ thuần túy đánh giá kiến thức học sinh được học. Chương trình mới đánh giá phẩm chất và năng lực là đánh giá kiến thức được học sinh hấp thu rồi chuyển thành năng lực. Giống như đánh giá sức khỏe là kết quả của thức ăn mà không đánh giá thức ăn, đánh giá năng lực là đánh giá việc sử dụng kiến thức ra sao chứ không phải nội dung kiến thức học thuộc, học vẹt rồi ghi nhớ, tái hiện.

"Vì thế dùng trắc nghiệm khách quan thì đánh giá phẩm chất, năng lực như thế nào?", thầy Đạt nêu câu hỏi.

Đảm bảo kỳ thi khách quan, công bằng

Đồng quan điểm với thầy Đào Tuấn Đạt, phản ánh tới KH&ĐS, nhiều  giáo viên cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm sẽ không đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của học sinh.

"Một kì thi tốt nghiệp THPT với chỉ các bài thi môn Toán (50 câu), Ngữ văn (2 câu), tiếng Anh (50 câu), bài thi tổ hợp (120 phút cho 3 môn, mỗi môn 40 câu) thì liệu có phản ánh đầy đủ các năng lực và phẩm chất của học sinh?

Các phẩm chất, năng lực của học sinh trong suốt nhiều năm học được đánh giá như thế nào cho chính xác và đáp ứng được chất lượng đầu vào các trường đại học, cao đẳng?", một giáo viên băn khoăn.

Cũng liên quan đến "đầu ra" là phẩm chất, năng lực của học sinh, giáo viên cho biết, cùng với sự tiệm cân chương trình GDPT mới năm 2018, Bộ trưởng cần phải có lộ trình kiểm tra, đánh giá cho các kì thi sắp tới.

Bộ GD&ĐT cũng cần có sự đánh giá về hiệu quả, sự phù hợp của kì thi tốt nghiệp THPT và chất lượng đầu vào của sinh viên các trường đại học, cao đẳng tương ứng. Cần có nghiên cứu, đánh giá về những trường hợp học sinh được điểm cao trong kì thi tốt nghiệp THPT có thực sự phản ánh đúng năng lực thực sự của các em hay không.

Đặc biệt, việc giữ sự công bằng, minh bạch, khách quan của các kỳ thi cũng rất quan trọng. Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh, để Ban ra ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT phải độc lập với Ban ra đề thi tốt nghiệp THPT.

"Không để hiện tượng nhiều thầy cô được Bộ GD&ĐT trưng tập nhiều năm liên tiếp để thực hiện cùng một nhiệm vụ đó", một giáo viên cho hay.

Theo dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn diễn ra trong thời gian từ 8h55 đến 14h50 ngày 11/11. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ trả lời các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm chất lượng dạy và học, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, công tác dạy và học trực tuyến, giảm tải chương trình, bảo đảm công bằng trong dạy học, an toàn y tế trường học, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia...

Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời trước Quốc hội.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top