Gian nan xử lý nợ xấu tàu cá vỏ thép

(khoahocdoisong.vn) - Nghị định 67/2014 đã tạo động lực phát triển đội tàu với công suất lớn đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh nhiều bất cập chưa được tháo gỡ, dẫn tới công tác thu hồi vốn cho vay của các ngân hàng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Dư nợ giảm nhẹ, nợ xấu vụt tăng

Còn nhớ cách đây 6 năm, Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được giới chuyên gia đánh giá là chính sách toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ có giá trị kinh tế cao, tạo đà phát triển đối với ngành thuỷ sản.

Nghị định này bao gồm nhiều nhóm nội dung lớn như hỗ trợ, khuyến khích bảo hiểm để cho thuyền viên ra khơi; hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt để ngư dân yên tâm bám biển; hỗ trợ công tác hậu cần để đảm bảo về nguyên liệu cho các chuyến ra khơi; hỗ trợ phát triển, đóng mới phương tiện là tàu cá (tàu 67)…

Luỹ kế từ khi có hiệu lực đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu. Trong đó có 1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp.

Số tàu này chiếm 45,2% tổng số tàu đóng mới do Bộ NN&PTNT phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 - 2020 và chiếm trên 58,2% tổng số tàu các địa phương đã phê duyệt.

Bằng việc tham gia tích cực, các ngân hàng đã thực hiện tốt mục tiêu có trách nhiệm với đất nước thông qua cam kết cho vay hơn 11.700 tỷ đồng (Agribank và BIDV chiếm khoảng 90% tổng dư nợ). Nhưng còn về mục tiêu sinh lời thì không được như mong muốn.

Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3/2019, tổng dư nợ cho vay đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014 vào khoảng 10.580 tỷ đồng, đến hết năm 2019 vẫn còn 10.028 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm dư nợ theo chương trình tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014 giảm khoảng 800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, qua tình hình cho vay và cơ cấu nợ, nợ xấu có xu hướng ngày càng gia tăng tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Trong đó, nợ xấu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%, cuối năm 2018 lan ra 18 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 17%. Đến nay, tồn đọng nợ xấu lên đến 25 tỉnh, thành phố với tỷ lệ chiếm 35,2% tổng dư nợ cho vay. Tức hiện có 3.530 tỷ đồng nợ xấu của chương trình tàu cá xa bờ đóng theo Nghị định 67/2014.

Tình hình dư nợ giảm nhẹ, nợ xấu vụt tăng theo Nghị định này là một trong số những nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước gửi báo cáo lên Quốc hội.

Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết, so với tàu cũ, để vận hành tàu sắt lớn cần nhiều chi phí hơn như chi phí nhân công nhiều người hơn, nhiên liệu nhiều hơn. Tuy nhiên, khi đánh bắt, sản lượng tăng không bao nhiêu nên ngư dân chậm trả nợ hoặc không trả nợ, tác động lớn đến tình hình tài chính của các ngân hàng tham gia cho vay theo Nghị định 67.

“Nhiều ngư dân tiên phong vay vốn đóng tàu vươn khơi bỗng trắng tay, nợ nần. Riêng tại Bình định có ngư dân cùng đường vì đã vay “tín dụng đen” để đáo hạn nợ nên phải bỏ trốn, gia đình tan nát”, đại biểu Nhường cho biết.

Cố gỡ khó khăn

Bên cạnh yếu tố khách quan về việc tăng chi phí nhưng không thể gia tăng sản lượng, vẫn có trường hợp ngư dân có tư tưởng coi tiền của Nhà nước và tiền ngân hàng là vô tận, người vay vốn không có nghĩa vụ phải trả nợ, cùng lắm là trả lại tàu cho ngân hàng và Nhà nước, không đánh bắt xa bờ nữa.

Thứ nữa, một số tàu kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay nhưng thấy nhiều chủ tàu khác do kinh doanh không hiệu quả, không trả được nợ nên cũng không muốn trả nợ vay ngân hàng, liên tục khất lần, không hợp tác. Điều này khiến các cán bộ ngân hàng gặp phải rất khó khăn trong việc tiếp cận, thuyết phục, đòi nợ khi đến hạn trả nợ gốc phân kỳ hằng năm hoặc nợ lãi vay hằng tháng.

Trước tình hình nhiều chủ tàu cố tình “chây ì” không trả nợ, các ngân hàng đã gửi đơn khởi kiện nhiều chủ tàu tới Tòa án các địa phương. Theo số liệu báo cáo, đến nay có 39 trường hợp chủ tàu vay vốn bị khởi kiện ra tòa.

Tuy nhiên, việc khởi kiện của ngân hàng không mang lại lợi ích cho cả hai phía. Thời gian kiện tụng kéo dài do thủ tục, khi Ngân hàng thắng kiện thì cũng chỉ thu hồi lại những tàu không còn nhiều giá trị, khó thanh lý. Người dân thì thêm hoang mang, sợ hãi khi bị dính vào pháp lý, không tập trung làm ăn tiếp.

Do đó, để tháo khó cho cả hai phía ngân hàng và người dân, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 218 khách hàng với số tiền 1.559 tỷ đồng; ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau đối với 29 khách hàng với dư nợ 295 tỷ đồng.

Thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Tiền Giang đối với 11 trường hợp chủ tàu không còn đủ năng lực thực hiện dự án, dư nợ gần 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, để hạn chế nợ xấu gia tăng, đảm bảo triển khai hiệu quả chương trình, trên cơ sở báo cáo và đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính rà soát, xử lý các kiến nghị để hoàn thiện cơ chế chính sách. Bộ cũng chỉ đạo các Sở, ngành địa phương hỗ trợ ngành ngân hàng trong việc quản lý dòng tiền, thu hồi nợ vay; quản lý, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm; bồi hoàn bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.

Đồng thời, Bộ NN&NPTNT được giao làm thông đầu mối nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014. "Dù sao chúng ta vẫn phải xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách để khuyến khích ngư dân, còn phương thức gì không phù hợp, chính sách gì không phù hợp kiên quyết loại ra", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Đời sống
back to top