Gian nan cắt giảm kiểm tra chuyên ngành

(khoahocdoisong.vn) - Việc cắt giảm kiểm tra chuyên ngành đang là yêu cầu cấp thiết của Chính phủ hiện nay, nhưng nếu thực hiện việc cắt giảm một cách máy móc, thì dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng.

Cắt giảm nhiều, nhưng còn hình thức

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết,  trong thời gian qua, các Bộ đã rất quyết liệt, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các phương án, ban hành các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng triệu ngày công, tương đương với hàng nghìn tỷ đồng.

Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, nhờ đơn giản các điều kiện kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập đã tăng nhanh, như cùng với việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh bảo hiểm, trong 5 tháng đầu năm nay, doanh thu bảo hiểm đã tăng tới 152% so với cùng kỳ…

Tuy nhiên, số liệu này còn mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng. Thực chất, nhiều dòng hàng hóa nhập khâir vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Mặt khác, nhiều Bộ đã ban hành danh mục các mặt hàng được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, nhưng chưa có mã số HS các mặt hàng này. Bên cạnh đó, một số nhóm hàng hóa phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhưng chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn. Còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong việc thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành...

Cải cách quản lý kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm, chủ yếu vẫn từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chưa giảm số lượng mặt hàng cần kiểm tra như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng.

Việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn hình thức, một số việc đã được giao tại nhiều nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng nhưng các bộ chậm sửa đổi, nhất là việc sửa đổi các văn bản pháp luật; thời gian xử lý thủ tục sau cắt giảm không thay đổi, thậm chí có nơi kéo dài tới 3 tháng mới nhận được văn bản trả lời.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu thực trạng cho biết, hiện còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tới 355 văn bản, rất khó cho doanh nghiệp thực hiện tra cứu, cập nhật. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, tình trạng điều kiện kinh doanh hóa thân vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, “khổ nạn” cấp phép, xin cho còn nguyên thậm chí còn nặng nề hơn, rồi thủ tục “chào hỏi” qua biên giới tức thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa mang lại lợi ích rõ ràng, chỉ tháo gỡ những vướng mắc nhỏ, chưa tạo tác động sâu rộng và đã đến lúc phải đi vào cắt giảm những vấn đề khó, thực chất.

Tránh lợi ích nhóm

Nói về tác hại của việc quá nhiều điều kiện kinh doanh, ông Lộc cho rằng “Khi các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí, mà rủi ro nhất đối với doanh nghiệp là nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia…”.

Vấn đề nằm ở chỗ, khi doanh nghiệp không rõ cách làm, thì bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng lúng túng, bị động. Khó khăn, bị động này đến ngay từ việc các bộ chuyên ngành được giao chủ trì soạn thảo luật thường cố gắng mở rộng tối đa phạm vi điều chỉnh của đạo luật, bao quát các vấn đề của đạo luật nên gây ra sự sự chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật đã có sẵn.

Chính các xung đột, chồng chéo trong các quy định pháp luật đang làm hạn chế các tác động tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo ra cản trở trong quá trình thực thi trên thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Xung đột này đã tạo ra thực tiễn thực thi rất khác nhau giữa các địa phương. Đáng nói, đây chính là cơ hội phát sinh các nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện dự án.

Hiện Chính phủ đã có Nghị quyết 02/2019 về việc  yêu cầu cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018, Nghị quyết 35/NQ-CP về Chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ….

Chính phủ kỳ vọng sẽ giảm từ 30 - 35% tỷ lệ hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi thông quan xuống còn khoảng 15%. Đồng thời, việc cắt giảm các thủ tục chuyên ngành sẽ tăng mức độ hài lòng của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục tăng và giải quyêt được ván đề chống gian lận thương mại…

Như vậy, có thể thấy, việc cắt giảm kiểm tra chuyên ngành đang là yêu cầu cấp thiết của Chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu cắt giảm máy móc thì dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng khi có việc các nhóm lợi ích vận động để các bộ, Chính phủ cắt giảm thủ tục và danh mục mặt hàng kiểm tra. 

Theo Đời sống
back to top