Giãn cách xã hội: Nới lỏng nhưng phải kiểm soát

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam đã 5 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài, có hiện tượng tái nhiễm các ca dương tính khỏi bệnh và chưa thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết, vì vậy, người dân cần phải đề phòng tránh lây nhiễm.

Tránh chủ quan coi thường 

Trong 5 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Trong số 268 ca nhiễm, 188 ca đã khỏi bệnh, hiện nay còn 53 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế, trong đó  14 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 7 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 chiều 20/4, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường mà dịch bệnh có thể quay lại.

Thủ tướng lưu ý, khả khả năng lây nhiễm vẫn còn cao, tất cả các địa phương, hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả. 

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã 7 ngày không phát hiện ca nhiễm mới thì có thể sẽ hạ mức cảnh báo. Nhưng chắc chắn sẽ không bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội mà sẽ được tiến hành từ từ. Ông Chung nhắc tới bài học chống dịch ở Hokkaido (Nhật Bản) cách ly giống Việt Nam vào tháng 1-2, sau đó ngừng giãn cách xã hội và cho sinh hoạt  bình thường, cách đây 1 tuần thì phải phong tỏa chặt trở lại. 

Không có triệu chứng và dương tính trở lại là mối nguy

Hiện các nhà khoa học đang rất lo ngại về tình trạng không có triệu chứng và dương tính trở lại của bệnh nhân Covid – 19. Như trường hợp bệnh nhân số 22 quốc tịch Anh, khi ra viện tại Đà Nẵng thì âm tính, vào TPHCM dương tính, rồi về đến Anh lại âm tính. Hay bệnh nhân 188 điều trị ở Hà Nam khi ra viện thì âm tính, về nhà ở Chương Mỹ mấy ngày lại dương tính, vào lại viện 2 ngày thì âm tính. 

PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, Hàn Quốc đã có báo cáo ghi nhận tới hơn 100 ca tái nhiễm Covid-19 sau khi được công bố khỏi bệnh. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) đang điều tra thêm sự việc này bằng cách chạy các xét nghiệm khác. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang tìm hiểu thêm trước khi đưa ra câu trả lời chắc chắn. Tuy nhiên, điều tra ban đầu cho thấy, có thể do có  sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân khi hệ miễn dịch chưa phát triển đủ mạnh hoặc yếu đi sau hồi phục thì virus kích hoạt trở lại; Hoặc cũng có thể, loại virus mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại...

Điều đáng lo ngại là một loạt nghiên cứu mới cho thấy có nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 song không có triệu chứng. Nghiên cứu của Mỹ cho thấy, 25% số người nhiễm mới có thể không có triệu chứng nào, còn trong số quân nhân Mỹ con số này rất cao – lên tới 60-70%.

 PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo, việc không ghi nhận ca mắc mới là tín hiệu khả quan nhưng khó dự đoán, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết. Trong thời gian qua, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn dịch ở nước ngoài nhập vào Việt Nam và các ổ dịch lớn. Nhờ phát hiện và cách ly tất cả trường hợp nhập cảnh và những người ở trong ổ dịch nên những những ngày gần đây không ghi nhận ca mắc mới. Đó là những tín hiệu khả quan. Thực tế, các nước không giãn cách xã hội dịch đã bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phu, người dân không được chủ quan vì tình hình diễn biến rất phức tạp. Ở các ổ dịch, khi phong tỏa thực hiện mọi biện pháp chống dịch cách ly người mang mầm bệnh với người lành 100%. Nhưng trên quy mô một tỉnh, thành phố, cả nước, để cắt đứt sự lây lan 100% là rất khó. Chưa thể nói sự lây lan trong cộng đồng hết hay chưa. Hơn nữa, trên thế giới  dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài. Việt Nam cũng xác định phải ứng phó lâu dài, không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt, đặc biệt là ý thức tham gia của mỗi người dân.

Quan trọng nhất hiện nay là làm sao hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng. Trong thời gian tới, có thể có những ổ dịch nhỏ xảy ra, phải kiểm soát không để đốm lửa bùng phát thành đám cháy lớn. Vì vậy, dù lệnh cách ly được dỡ bỏ, người dân vẫn cần thực hiện triệt để các biện phòng ngừa để tránh lây nhiễm.

Nhiều ý kiến cho rằng sắp tới khi thời tiết chuyển sang hè, nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi cho dịch Covid-19 lui ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu kể cả thời tiết thuận lợi, dịch vẫn bùng phát nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo như giãn cách xã hội, giữ khoảng cách tiếp xúc 2m, đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng... 

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top