Giảm thuế bảo vệ môi trường chỉ là một trong những phương án giảm giá xăng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để góp phần nhanh giảm giá xăng dầu là cách nhanh nhất để giảm khó khăn cho người dân.

Liên quan đến giá xăng dầu hiện nay đang neo ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội, các Đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về cách giảm giá.

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc nghiên cứu giảm thuế hiện nay để giúp giảm giá xăng dầu là hợp lý, nhưng nếu giảm thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu là chưa thực sự hợp lý.

Bà Mai dẫn ra 3 điểm bất hợp lý: Không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường; chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá vì xăng dầu mua dự trữ trước khi giảm thuế sẽ phải chịu lỗ; kinh nghiệm quốc tế đều lựa chọn giảm sắc thuế khác chứ không chọn thuế bảo vệ môi trường.

Việc dùng thuế điều tiết giá cả là cần thiết, nhưng chọn sắc thuế nào thì Bộ Công Thương, Tài chính cần đưa ra giải pháp hợp lý.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về việc chọn giảm sắc thuế nào, liên Bộ đã cân nhắc, báo cáo Chính phủ. Nếu chọn giảm loại thuế khác, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải tới tháng 5 mới có thể thông qua, rồi Nghị quyết Quốc hội có hiệu lực cũng phải tháng 6, 7.

Trong khi đó, tình hình giá xăng dầu hiện nay rất căng thẳng, để xử lý tình huống thì nhanh nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường, do đây là thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

"Quỹ bình ổn không còn, thuế không được giảm thì làm sao giảm giá, trong khi giá thế giới vẫn tăng, chúng ta làm sao khác được", ông Diên nói và đồng tình trong tương lai sẽ nghiên cứu cho phù hợp.

ho-duc-phoc(1).jpeg

Bổ sung thêm thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết theo tính toán, khi giá xăng RON92 thế giới ở mức 130 USD/thùng thì các khoản thuế, phí được tính trên giá xăng gồm: thuế nhập khẩu chiếm 8% là 1.508 đồng, thuế VAT 10% là 2.036 đồng, chi phí định mức chiếm 6% là 1.050 đồng, lợi nhuận định mức là 300 đồng, trích quỹ bình ổn 300 đồng, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng, thuế giá trị gia tăng là 2.805 đồng. 

Như vậy, với giá dầu thô 130 USD thì giá cơ sở là 30.800 đồng/lít, tỉ lệ thuế/giá xăng dầu là 33,5%. Do đó, ông Phớc cho rằng phương án mà ta giảm thuế cũng chỉ là một giải pháp. Bởi khi giá xăng 130 USD/thùng, ta giảm 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu, giảm thu ngân sách là 31.938 tỉ đồng. 

Về câu hỏi tại sao xăng dầu là hàng thiết yếu lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Phớc nói đây là thuế gián thu, nhà sản xuất xăng dầu và nhập khẩu phải nộp. Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định, việc đánh thuế mặt hàng này cùng một số mặt hàng khác như bia, rượu, để người dân sử dụng tiết kiệm xăng dầu. 

Theo Đời sống
back to top