Giám sát trẻ, đừng ỉ vào đồng hồ định vị

(khoahocdoisong.vn) - Sử dụng đồng hồ định vị để giám sát con là giải pháp được nhiều cha mẹ lựa chọn, nhất là sau những vụ việc đáng tiếc như trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón. Nhưng sử dụng chúng sao cho hiệu quả vẫn là vấn đề đáng bàn.

600.000 thiết bị định vị có nguy cơ bị hacker xâm nhập

Mới đây, Avast - công ty nổi tiếng thế giới về công nghệ số - phát hiện 29 model thiết bị định vị GPS có lỗ hổng bảo mật, 600.000 thiết bị định vị khác có thể bị hacker xâm nhập. Các lỗ hổng này cho phép hacker xâm nhập thiết bị để theo dõi tọa độ GPS của người đeo thiết bị theo thời gian thực hay nghe lén âm thanh xung quanh, thậm chí hacker còn có thể làm sai lệch dữ liệu vị trí của thiết bị... Những thiết bị nêu trên do một công ty Trung Quốc tên Shenzhen i365 sản xuất. Avast cho biết họ đã nhiều lần cảnh báo về lỗ hổng nêu trên, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Shenzhen i365.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn phát hiện khoảng 600.000 thiết bị định vị khác đang được rao bán trên Amazon đều dùng chung một mật khẩu mặc định là 123456. Đây vốn là mật khẩu đơn giản nhất, dễ đoán nhất. Ngoài mật khẩu đơn giản, lỗ hổng còn cho phép hacker có thể lấy thông tin định vị của thiết bị mục tiêu bằng cách nhắn tin SMS đến số điện thoại của SIM gắn trong thiết bị. Dù không có thông tin về việc những thiết bị nêu trên có sử dụng tại châu Á, nhưng trên thị trường Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm theo dõi vị trí người dùng từ xa có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, phổ biến nhất là những chiếc đồng hồ đeo tay thông minh dành cho trẻ em.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, đa phần các sản phẩm điện tử này trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tính bảo mật của sản phẩm, rủi ro nếu bị hack thông tin dữ liệu... là điều mà ít người dùng hiểu được và phó mặc cho người bán. Chưa kể đến bảo mật, độ chính xác của hệ thống định vị GPS phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm các hiệu ứng khí quyển, các điều kiện xung quanh và chất lượng của máy thu GPS. Do đó, dù có trang bị thiết bị định vị thì cha mẹ cũng nên cập nhật thường xuyên tình hình con thông qua các kênh khác chứ không nên chỉ phó mặc vào thiết bị.

Có thể gây hại cho trẻ

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA cho rằng, tọa độ trên thiết bị định vị sẽ ghi lại quá trình di chuyển của người dùng lên hệ thống server. Nếu định vị có lỗ hổng bảo mật hoặc mật khẩu đăng nhập mặc định quá dễ dàng, hacker sẽ xâm nhập vào hệ thống server và nắm được người đeo thiết bị đang đi đến đâu, dự đoán sắp đi đâu, gặp ai, làm gì, có thể nghe được âm thanh xung quanh, thậm chí hacker còn làm sai lệch dữ liệu vị trí của thiết bị… Tất cả dữ liệu này cần thiết cho nhà kinh doanh, hacker có thể lấy dữ liệu này để phục vụ cho việc chào bán, quảng bá hình ảnh hoặc bán lại cho các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu nghe được âm thanh xung quanh, hacker sẽ biết được nhiều bí mật của người đeo thiết bị lẫn người không đeo.

Giả sử người đeo thiết bị đang có tài khoản cá nhân tại ngân hàng, trong cuộc trò chuyện nào đó, vô tình lộ thông tin về mật khẩu đăng nhập, kẻ gian sẽ dễ dàng chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền.  Việc sử dụng thiết bị định vị không góp phần bảo vệ trẻ em, người già, thú cưng... mà có thể góp phần làm mất an toàn cho đối tượng được đeo thiết bị. Chẳng hạn, một đứa trẻ được gắn thiết bị định vị đã bị hacker xâm nhập giúp hacker biết được đứa trẻ ở đâu, đang đi với ai, khiến việc bắt cóc dễ dàng hơn. Vì vậy, khi sử dụng thiết bị định vị, có thể gặp phải trường hợp không xác định chính xác vị trí của thiết bị. Điều này có thể xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu hoặc thiết bị định vị bị va đập mạnh dẫn đến trục trặc.

Do đó, các bậc cha mẹ được khuyến cáo nên cẩn trọng khi sử dụng các thiết bị quản lý trẻ em từ xa; nên chọn loại có thương hiệu uy tín rõ ràng và luôn cảnh giác trước các dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng.

Theo Đời sống
back to top