Giám sát quyền lực khi nhất thể hóa

(khoahocdoisong.vn) - Chủ trương nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, trong đó có Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã đã được thí điểm ở một số địa phương.

Chủ trương nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, trong đó có Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã đã được thí điểm ở một số địa phương. Theo TS Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Lãnh đạo học và Nghiên cứu chính sách (Viện Lãnh đạo học và Chính sách công) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:, để nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo thành công, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân và có cơ chế kiểm soát quyền lực tốt.

Nhân dân kiểm soát quyền lực

Chủ trương nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo thí điểm ở một số địa phương được đánh giá khá cao. Theo ông, giải quyết bài toán kiểm soát quyền lực thế nào khi thực hiện nhất thể hóa?

Nhất thể hoá chức vụ người đứng đầu cấp ủy với chính quyền ở các cấp là một xu thế khách quan, đã được bàn nhiều lần. Vai trò lãnh đạo và điều hành sẽ phải được thực hiện như thế nào để quyền lực không tập trung. Trước tiên phải nói về những nguyên tắc trong hệ thống chính trị cần phải làm rõ:

Đó là nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” và nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “cá nhân chịu trách nhiệm”. Cần phải làm rõ nội hàm của nó cụ thể như thế nào. Những nguyên tắc này đã có trong cương lĩnh của Đảng, nhưng vì nhiều lý do mà chúng ta chưa khẳng định được rõ ràng hiệu lực của nó trong thực tế như thế nào.

Làm rõ những nguyên tắc đó sẽ có tác động thế nào trong việc nhất thể hóa?

Nếu chúng ta làm rõ ra được thì dù có nhất thể hóa hay không, nhân dân vẫn là người nắm giữ quyền lực chứ không phải cán bộ. Khi nhất thể hóa, lãnh đạo chỉ là người đại diện cho nhân dân, được nhân dân kiểm soát quyền lực. Bởi quyền lực tối cao là nhân dân, nên sẽ không phải lo lắng việc quyền lực tập trung vào ai đó để có thể dẫn đến chuyên quyền, độc đoán.

Để nhất thể hóa thì đòi hỏi trình độ của đội ngũ cán bộ sẽ phải như thế nào thưa ông?

Muốn xây dựng chính phủ kiến tạo thì đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, đủ tầm. Vậy năng lực của đội ngũ cán bộ hiện nay đã đủ tầm chưa? Trong điều kiện có nhiều thứ phức tạp như bây giờ thì e là chưa.

Điều quan trọng khi nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo cấp cơ sở là gì?

Nếu xây dựng được một cơ chế hợp lý, khoa học, nhưng bố trí kẻ bất tài, thất đức làm người đứng đầu thì chức danh hợp nhất, với quyền năng được nắm giữ nhiều hơn sẽ bị kẻ ấy chiếm đoạt để làm điều xằng bậy. Ngược lại, nếu chọn được cán bộ hội đủ đức, tài, nhưng cơ chế lồng ghép thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ thì chẳng khác nào giăng bẫy, trói tay hiền tài.

Làm thế nào để thực hiện được nhất thể hóa thành công?

Tôi cho rằng, điều quan trọng có tính quyết định tất thảy vẫn là cán bộ. Vì thế, một mặt, cần phải xây dựng thật tốt cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực trong việc hợp nhất chức danh lãnh đạo với quản lý, điều hành; mặt khác, phải chọn cho ra những cán bộ hội đủ đức, tài để bố trí vào vị trí này. Chỉ khi nào và ở đâu chuẩn bị được cán bộ, đáp ứng yêu cầu mới thì mới triển khai, còn ở đâu chưa chuẩn bị kỹ thì cần thiết phải điều động, luân chuyển từ nơi khác về.

Cần người có thực tài

Để kiểm soát quyền lực, có lẽ từ trong cách bầu cử, phải có cách để chọn được người thực sự có tài năng?

Đối với chức vụ bổ nhiệm và chức vụ bầu cử, dứt khoát phải có cạnh tranh, cụ thể bầu cử hay thi tuyển, thì ít nhất phải có hai người. Đó là cách tuyển chọn nhân tài phổ biến từ xưa tới nay. Khi có sự cạnh tranh, bắt buộc những người được đề cử để bầu, hay ứng thí trong thi tuyển phải trình bày được ý tưởng, các chương trình hành động, cam kết của người đó với tập thể; các ý tưởng, hành động đó có thuyết phục được tập thể, có luận chứng, luận cứ đầy đủ và khoa học hay không? Từ đó, dựa vào năng lực thực sự của họ để lựa chọn bỏ phiếu bầu, hay quyết định bổ nhiệm.

Làm thế nào để loại bỏ tình trạng chạy chức chạy quyền?

Để không thể chạy chức, chạy quyền, để ngăn chặn cơ hội lạm dụng, thì phải rào kín bằng quy chế, luật pháp với các quy định cụ thể, đong đếm được, nhận diện được tiêu chuẩn cho từng vị trí chức danh.

Nhưng nói cho cùng, quy chế nào cũng không thành nếu thiếu người thực sự có tâm làm việc?

Lịch sử đã chứng minh rằng, chỉ khi nào công cụ pháp lý đủ sức răn đe, thực thi nghiêm trị, thì khi ấy, kẻ nào toan tính phạm tội mới cả sợ, thất kinh mà không dám làm càn. Phép trị quốc cốt ở giáo dục, thuyết phục bằng các quy phạm đạo đức. Nhưng, khi không thể sử dụng quy phạm đạo đức, thì phải sử dụng công cụ chuyên chính, tức là hình luật.

Tôn trọng phản biện

Theo ông, việc kiểm soát quyền lực khi nhất thể hóa sẽ phải được thực hiện như thế nào?

Ở đây chủ thể kiểm soát quyền lực là ai? Quản lý phải chấp hành đúng theo kinh tế thị trường, quyền lực Nhà nước phải được thực hiện nghiêm, và phải tôn trọng phản biện của các tổ chức dân sự. Mấu chốt ở đây là thể chế. Để xây dựng nhà nước kiến tạo thì phải dám thay đổi từ gốc là thể chế. Dân chủ phải được thực hiện đúng nghĩa. Một vấn đề khi có các ý kiến phản biện thì ph ải được tôn trọng, lắng nghe thì khi đó, việc kiểm soát quyền lực mới thực sự mang lại ý nghĩa.

Việc thử nghiệm nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo được đánh giá cao, theo ông đã có thể nhân rộng ra nhiều địa phương?

Tại thời điểm này thì tôi nghĩ là chưa. Chúng ta cần thêm thời gian để có sự chuẩn bị kỹ càng hơn. Vấn đề “hoàng hôn nhiệm kỳ”, lợi ích nhóm hay chuyện năng lực của đội ngũ cán bộ phải được giải quyết, để có một đội ngũ thực sự đủ tâm, đủ tầm gánh vác được công việc này.

Thực tế đã có những địa phương thực hiện thành công như Quảng Ninh, tinh giảm được một khối lượng lớn cán bộ, tiết kiệm nhiều tỉ đồng. Điều gì đã khiến những địa phương này thành công?

Đó là sự chuyển động của cả hệ thống, thay đổi mang tính thể chế chứ không ở một vài đơn vị hay một vài người. Để làm tốt thì ngoài những yếu tố đó, khả năng lắng nghe để thay đổi, tôn trọng phản biện, là điều cần thiết.

Khắc phục nhóm lợi ích, tư duy nhiệm kỳ

Khi nhất thể hóa, biên chế sẽ giảm. Làm thế nào để người bị tinh giảm đó là người yếu kém hơn, chứ không phải người ít “quan hệ” hơn?

Có lẽ đây là vấn đề khó trả lời nhất. Hệ thống công vụ của ta vốn dĩ chịu ảnh hưởng khá dài của cơ chế hành chính bao cấp và truyền thống “duy tình” “ một người làm quan cả làng được nhờ”... Tôi vẫn muốn đặt lại vấn đề mấu chốt là cải cách thể chế của vai trò quản lý nhà nước đặt trong mối quan hệ tác động của kinh tế thị trường và sự tham gia phản biện của các tổ chức trong “xã hội dân sự”.

Cụ thể thì phải bắt đầu từ đâu?

Phải bắt đầu tạo được sự chuyển biến từ bên trong các cấp có thẩm quyền bằng việc khắc phục được cách làm việc theo “nhóm lợi ích” và “tư duy nhiệm kỳ”.

Để tinh giản đúng người?

Đúng thế. Cần tham chiếu vào công cuộc tinh giản biên chế trên cơ sở kết hợp giữa “quản lý thực thi” và “quản lý mục tiêu” để đánh giá hiệu quả công việc một cách thực chất. Khi đó, việc nhất thể hóa các chức danh cũng dựa vào năng lực, hiệu quả để lựa chọn và giám sát.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xác định phải tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, tinh giản số cán bộ được hưởng lương và phụ cấp. Chủ trương nhất thể hóa các chức danh đã giúp cán bộ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, nâng cao trình độ, năng lực, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm trước tập thể.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top