Giảm khó chịu khi tỉnh giấc đêm

Không chỉ khó ngủ, mất ngủ, nhiều người già còn bị chứng tỉnh dậy vào ban đêm. Điều đáng nói, sau khi bị tỉnh giấc, người già rất khó để ngủ lại. Nhiều người chọn cách bật đèn, bật điện thoại để xem giờ, đọc sách báo, có người cứ nằm thao thức trên giường chờ trời sáng… Làm cách nào để giảm khó chịu khi tỉnh giấc đêm.

Giảm khó chịu khi tỉnh giấc đêm là mong ước của nhiều người già.

Đừng bật đèn, xem đồng hồ

Việc chúng ta đột nhiên dậy trong đêm tối là chuyện không hiếm, nhất là với người cao tuổi. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người già rất dễ tỉnh giấc vào ban đêm, gồm sự thiếu hụt nội tiết tố melatonin, một hormone tự nhiên điều hòa nhịp thức – ngủ.

Ngoài ra, mất ngủ còn do bệnh tật của tuổi già như bệnh rối loạn thần kinh, đau lưng, đau mỏi xương cốt. Những người mắc bệnh viêm khớp thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm hơn do các vết sưng tấy thường trở đau vào khoảng 23h đêm đến 3h sáng…

Chính những điều này, khiến người già rất dễ tỉnh giấc vào ban đêm. Điều đáng nói, khi bị tỉnh giấc và khó có thể ngủ lại được, nhiều người già chọn cách bật đèn xem đồng hồ, đọc sách báo hay đi lại để giết thời gian.

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105 khuyên khi bị tỉnh dậy, người già nên hạn chế thói quen bật đèn sáng và xem đồng hồ. Ánh sáng đặc biệt là ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại mà người già hay để đầu giường để tiện sử dụng làm ức chế hormone melatonin.

TS Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại và các thiết bị thông minh đã được khoa học chứng minh làm ngăn chặn việc tiết ra melatonin, là một nội tiết tố liên quan chu kỳ ngủ/thức của con người. Đây là nguyên nhân đầu tiên đưa con người tới việc khó ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc. Vì vậy, khi bị tỉnh giấc, người già đừng vội bật đèn hoặc bật điện thoại để xem giờ giấc hay đọc tin tức để “ru ngủ”.

Rời giường nhưng đừng hoạt động

Theo BS Nguyễn Văn Hùng, sau khi bị tỉnh giấc và không ngủ lại được, người già đừng cố nằm trên giường. Việc nằm trên giường có thể khiến người già miên man trong các suy nghĩ và khiến người già càng khó ngủ lại. Khi mất ngủ, người già hãy ra khỏi giường, tìm một chỗ thoải mái và ngồi im để tập thư giãn đầu óc ví dụ nghe nghe một bản nhạc chẳng hạn. Khi cảm thấy bắt đầu buồn ngủ, hãy trở lại giường, lúc này cơ thể đã sẵn sàng cho giấc ngủ trở lại.

Tuy nhiên, TS Benildo Guzman, giám đốc Viện nghiên cứu giấc ngủ (Florida, Hoa Kỳ) cho rằng hiệu quả này chỉ đạt được khi người già chọn những bản nhạc nhẹ nhàng. Người già sẽ khó có thể bắt đầu một giấc ngủ với những bản nhạc sôi động. Khi nghe bản nhạc sôi động, thần kinh sẽ căng lên, hưng phấn, kích thích. Vì vậy, hãy nghe những bản nhạc du dương, sâu lắng, để giúp cơ thể và đầu óc thư giãn tạo điều kiện cho giấc ngủ quay trở lại.

Thư giãn đầu óc

Theo các chuyên gia, những biện pháp trên chỉ là giải pháp tình thế, đối phó với chứng thức dậy vào ban đêm. Quan trọng hơn là phải giúp người già có giấc ngủ ngon, ngủ sâu. Để làm được điều này, người già phải để đầu óc thư giãn trước khi đi ngủ, tránh căng thẳng, mệt mỏi. Việc để đầu óc căng thẳng, mệt mỏi sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến chất lượng giấc ngủ khiến người già vừa khó ngủ lại ngủ chập chờn, vừa ngủ đã giật mình tỉnh dậy.

Một cách nữa là phải ngừng sử dụng tivi, điện thoại di động ít nhất 1h trước khi ngủ bởi ánh sáng màu xanh của các thiết bị điện tử ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giấc ngủ. Nhiều người có thói quen xem ti vi đến khi buồn ngủ, ngủ lơ mơ mới choàng dậy tắt nhưng chính ánh sáng và tiếng động từ tivi là nguyên nhân khiến người già gặp khó khăn khi bắt đầu ngủ và hay giật mình tỉnh dậy giữa đêm.

Ngoài ra, người già cần tránh việc ngủ vặt quá nhiều vào ban ngày vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ lúc ban đêm. Tốt nhất để đảm bảo có giấc ngủ ngon, sâu, người già cần cố định một giờ đi ngủ thường xuyên, không sử dụng các chất kích thích gần giờ đi ngủ, đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, thoáng đãng, đủ tối, che chắn ánh sáng tốt để không bị ánh sáng đèn sân vườn, ban công hay đèn đường rọi vào phòng; phòng và giường ngủ thoáng mát, sạch sẽ.

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top