Giảm hơn nửa thủ tục, mới tiết kiệm được hơn 6.300 tỷ đồng

(khoahocdoisong.vn) - Đó là thông tin tóm tắt từ phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức cuối tháng 2/2019.

Tiết kiệm dễ tính, thiệt hại khó đếm

Phiên họp này do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Theo đó, về số học, kết quả cải cách hành chính (CCHC) trong năm 2018 có 5 điểm nổi bật. Đầu tiên là thể chế được cải cách, hoàn thiện thêm một bước, số văn bản nợ đọng ngày càng giảm (năm 2018 số lượng văn bản “nợ ban hành” còn 4 văn bản). Kết quả thứ hai, quan trọng nhất, là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng dẫn số liệu cho biết, trong năm 2018, đã cắt giảm, đơn giản hóa đến 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, đạt 54,5%.

Người đứng đầu chính phủ ước tính, việc giảm thủ tục hành chính đã tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp gần 900 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó là cắt giảm, đơn giản hóa 30 thủ tục, và 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 68,2%). Qua đó, tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội trên 5.400 tỷ đồng/năm. Như vậy, tổng cộng những nỗ lực cải cách hành chính đã “tiết kiệm” được khoảng 6.300 tỷ đổng cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu tỷ lệ và số liệu cắt giảm thủ tục hành chính được nêu là đáng mừng về mặt số học, thì con số tiết kiệm tiền bạc cho người dân và doanh nghiệp dường như lại khá… ước lệ. Vì việc giảm thời gian thủ tục được “quy đổi” thành tiền, lại không bù nổi những thiệt hại phát sinh trong thực tế. Có lẽ, cần nhắc lại những phàn nàn chưa ngớt từ người dân và doanh nghiệp, với hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại, vì những thay đổi trong thủ tục được “khoác áo” cải cách.

Gần nhất, có thể nhắc tới chuyện các doanh nghiệp ngành giấy thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì quy định của Bộ TNMT. Theo đó, Bộ này “cải cách hành chính”,  ban hành thông tư quy định doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại đâu, thì cán bộ ngành TNMT ở địa phương đó là người kiểm tra phế liệu giấy nhập khẩu. Quy định này khiến các sở TNMT…. thiếu người đi kiểm tra, và hàng nghìn container phế liệu giấy của doanh nghiệp tồn đọng tại cảng.

Rộng hơn, từ khi áp dụng quy định mới của Bộ TNMT, số container phết liệu các loại tồn đọng tại cảng đã tăng vọt, lên tới hơn 20.000 container. Tình hình căng thẳng tới mức, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp đi kiểm tra, xác nhận tình hình, và yêu cầu Bộ TNMT phải có biện pháp xử lý khẩn cấp việc tồn đọng phế liệu gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Đồng thời nghiên cứu hướng sửa đổi quy định mới cho phù hợp với thực tế hơn.

Tất nhiên, người đứng đầu Chính phủ biết rõ thực tế này. Nên dù động viên, đánh giá cải cách thủ tục đã có tiến bộ rõ rệt, Thủ tướng vẫn khẳng định có hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị mình vào trong thủ tục hành chính, dẫn tới tình trạng xin - cho, vì thế có nghị định phải trả đi, trả lại nhiều lần. Từ đây, Thủ tướng yêu cầu: “Lãnh đạo các bộ phải tỉnh táo để thủ tục thông thoáng thuận lợi”.

Doanh nghiệp cần gì?

Trả lời câu hỏi này không khó. Trái với hình dung của nhiều người, chi phí hợp pháp (bằng tiền) cho thủ tục cao hay thấp không là mối bận tâm của doanh nghiệp. Vì chi phí ấy sẽ được phân bổ trong chi phí sản xuất chung, phản ánh trong giá hàng hóa, dịch vụ cuối cùng mà người tiêu dùng sẽ chi trả. Điều đó cũng có nghĩa, chi phí thủ tục không phải là mục đích quan trọng nhất của cải cách thủ tục hành chính. Mà quan trọng nhất là thủ tục phải đơn giản, nhanh chóng, minh bạch, chính xác hơn. Thời gian luôn là tiền bạc, với doanh nghiệp – nguyên tắc này luôn đúng. Nỗ lực cải cách hành chính của cơ quan quản lý, nếu có, thì nên tiến hành theo đúng nguyên tắc ấy.

Đánh giá về việc cải cách hành chính trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sử dụng cụm từ “đạt kết quả quan trọng”. Ông dẫn ví dụ, đã giảm được đầu mối trung gian, khắc phục chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một số việc chỉ do một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm, “để giảm tình trạng đi lại nhiều đầu mối phức tạp”. 

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong nỗ lực cải cách hành chính. Đặc biệt là hiện tượng nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra tình trạng “trục trặc”, "trên bảo dưới không nghe". Có tình trạng văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi, hoặc văn bản được ban hành có dấu hiệu trái nội dung, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng. Tình trạng công dân, doanh nghiệp hỏi cơ quan Nhà nước không trả lời, im lặng kéo dài, tình trạng tham nhũng vặt, gây phiền hà… ở cơ quan hành chính và một số đơn vị công lập vẫn còn…

Đi kèm với đó là tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”, thủ tục hành chính còn nhiều, đi liền với đó là chi phí không chính thức... Đâu đó lợi ích cục bộ của ngành, địa phương còn dai dẳng, chưa thể giải quyết triệt để vì lợi ích chung của người dân và doanh nghiệp.

Theo VCCI, có tới 5 bất cập trong thủ tục hành chính hiện nay. Đó là trình tự thực hiện phức tạp, thủ tục thiếu các bước thực hiện, thiếu mốc thời gian trong trình tự thủ tục hành chính, thời hạn giải quyết kéo dài, tiêu chí xem xét giải quyết thủ tục còn mơ hồ.

Nhìn từ tổng kết của VCCI, có thể thấy các vấn đề trong cải cách hành chính còn quá nhiều, và dàn trải đều ở các yêu cầu phải đạt được của nỗ lực này. Trong nhiều năm qua, bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sau đó là đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính cấp bộ đã hình thành và đang dần hoàn thiện. Kết quả áp dụng các bộ chỉ số này, phần nào được thể hiện trong sự chuyển biến của nền hành chính nói chung, và thủ tục hành chính hướng tới doanh nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, yêu cầu về một nền hành chính phụ vụ doanh nghiệp, đóng vai trò bệ phóng, nền tảng để doanh nghiệp hoạt động đúng chức năng sản xuất và gia tăng giá trị cho nền kinh tế, thì vẫn chưa xuất hiện. Doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu điều chỉnh, quản lý, hơn là khách hàng cần được phục vụ. Mà thực ra, bao giờ doanh nghiệp là khách hàng cần được phục vụ, thì vẫn là câu hỏi tu từ, với các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Nói chỉ trong 1 năm đã giảm được hơn nửa số thủ tục, nhưng lại chỉ tiết kiệm được hơn 6.300 tỷ đồng, là vì lẽ ấy.

Theo Đời sống
back to top