Giảm dần năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu: Nhiều nguy cơ, cần thận trọng

(khoahocdoisong.vn) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giảm dần năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu có thể làm tăng áp lực lên bảo hiểm xã hội, cần thận trọng, xem xét kỹ lưỡng.

Đóng bảo hiểm xã hội từ 10 - 15 năm có thể được về hưu

Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) gửi Chính phủ, lấy ý kiến đến ngày 16/6. Bộ đề xuất sửa một số nội dung, trong đó có chế độ hưu trí,

Cụ thể, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu, theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm. Mức hưởng sẽ được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được hưởng quyền lợi.

Theo quy định của Luật BHXH, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng theo quy định.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, 20 năm là thời gian quá dài khiến nhiều lao động không thể tích lũy số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, nhiều người nản lòng đã rời bỏ hệ thống BHXH. Việc người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội trong việc bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế. Nếu vẫn giữ quy định trên, diện bao phủ bảo hiểm xã hội sẽ không được thay đổi đáng kể.

Theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, nếu thay đổi theo phương án này sẽ khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH ngắn hạn và trung hạn; nguồn chi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ tăng. Người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, hướng tới tuổi già có lương hưu.

Và 10 năm đóng bảo hiểm xã hội là khoảng thời gian rất cần được quan tâm ở Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 60% người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH.

Đề xuất này ngay lập tức đã gây được sự quan tâm lớn từ dư luận. Trong đó, có nhiều ý kiến trái chiều.

Nguy hiểm vì tăng áp lực lên Quỹ BHXH

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre).

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre).

Trao đổi với phóng viên về đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, với tư cách là một chuyên gia Luật Lao động và An sinh xã hội, ông không đồng tình với đề xuất này. Ông chỉ đồng tình với phương án chuyển chế độ hưu trí sang tài khoản cá nhân. Tài khoản cá nhân có nghĩa là đóng bao nhiêu năm, bao nhiêu tiền thì được hưởng tương ứng.

Lý do là vì, bản chất của lương hưu là lương trả chậm, do người lao động tiết kiệm và được người khác đóng bảo hiểm cho, chứ không giống như trường hợp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản… có thể người này đóng cho người khác hưởng. Ví dụ, một người đóng bảo hiểm ốm đau nhưng cả đời không bao giờ ốm đau, đó là bảo hiểm mang tính sẻ chia. 

Còn lương hưu là của ai đóng người đó hưởng, không thể lấy tiền của người này cho người khác được. Theo đó, nếu làm việc trong 15 năm thì sẽ được hưởng lương hưu tương ứng với khoảng 15 năm đóng BHXH. Chứ không thể đóng 15 năm, về hưu ở tuổi 50, sau đó sống tới 80, 90 tuổi thì ai là người đóng tiền để người về hưu lĩnh số tiền mà mình không đóng BHXH?

Hiện nay, quỹ hưu trí không được Nhà nước bao cấp nữa mà Nhà nước chỉ hỗ trợ khi Quỹ BHXH không đủ khả năng tri chả. Trong khi đó, lại vẫn xử lý giống như thời kỳ trước 1/1/1995, lấy tiền của người về hưu sau để trả cho người về hưu trước là không bảo đảm được quyền lợi cũng như vấn đề các yếu tố về mặt yếu tố kinh tế học.

Về việc Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, 20 năm là thời gian quá dài khiến nhiều người không đợi được để lĩnh lương hưu và việc người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội, ông Nhưỡng cho rằng, giải thích đó đã là mâu thuẫn. Vì càng giảm số năm đóng BHXH để tăng lượng người về hưu thì càng tạo áp lực cho Quỹ BHXH.

"Tôi cho rằng, việc giảm dần năm đóng BHXH để hưởng lương hưu là một đề xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nguy hiểm", ông Nhưỡng nói.

Theo ông Nhưỡng, đề xuất đó sẽ chỉ đúng với chế độ tài khoản cá nhân. Ví dụ, một người đóng BHXH trong 15 năm, sẽ được hưởng lương hưu trong vòng khoảng 15 năm. Còn lại, sẽ phải tự lo bằng tiền cá nhân. Nếu không tự lo được thì phải chuyển sang chế độ bảo trợ của Nhà nước, chứ không thể hưởng hưu từ Quỹ BHXH do người khác đóng được.

Ông Nhưỡng cho biết, ông đã từng làm việc với những chuyên gia uy tín nước ngoài, từ những năm 90, họ sang Việt Nam và đã đề nghị chúng ta chuyển chế độ lương hưu sang tài khoản cá nhân nhưng chưa được xem xét. Hiện nay, chúng ta vẫn để lương hưu theo chế độ bao cấp, như vậy là khó chấp nhận.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tăng lương hưu cho các đối tượng không thể tùy tiện, mà phải căn cứ vào phân loại đối tượng, ví dụ, đối tượng nghỉ hưu từ trước 1/1/1995 thì phần bảo đảm phải do Ngân sách Nhà nước bảo đảm, không thể lấy vào Quỹ BHXH do đối tượng đóng BHXH sau 1/1/1995. "Nói tóm lại là phải xác định bản chất kinh tế - xã hội của lương hưu thì mới thực hiện được cải cách lương hưu, tránh tình trạng gây ra vấn đề mới ảnh hưởng lớn và lâu dài về mặt kinh tế - xã hội và nhất là gây bức xúc cho đối tượng hưởng lương hưu, bức xúc dư luận", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện nay, đang có tình trạng một số cán bộ công chức, viên chức khi nghỉ hưu chế độ lương hưu rất thấp, cuộc sống khó khăn. Cho nên, việc giảm số năm đóng BHXH để được nghỉ hưu sớm cần tính toán, xem xét kỹ lưỡng.

“Bởi giả sử về hưu sớm, nhưng lương sau khi trừ phần trăm BHXH chỉ còn khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng thì làm sao sống nổi? Đây là vấn đề cần xem xét. Tôi rất đồng tình với việc để người già có lương hưu, nhưng với mức từ 500.000đ - 1 triệu đồng hay 1,5 triệu đồng/tháng thì có cũng như không”, ông Hòa nói.

Ngoài ra, ông Hòa cho rằng, việc rút ngắn năm đóng BHXH để người lao động có thể hưởng lương hưu sớm hơn, với những đối tượng gần đến tuổi nghỉ hưu thì phù hợp. Nhưng với những người mới ngoài 30 tuổi, chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng bảo hiểm lại đủ, thì sẽ thế nào? Cho nên, giữa Bộ LĐ-TB&XH và BHXH nên cùng ngồi lại để có những tính toán, xem xét kỹ lưỡng, đồng bộ và lấy ý kiến đông đảo người dân.

Luật Lao động mới sửa đổi đã có hiệu lực, với những quy định rất rõ ràng, Bộ LĐ-TB&XH cần căn cứ vào Luật đó để ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện theo Bộ luật mới, không cần phải thêm những quy định mới.

Theo Đời sống
back to top