Giảm chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức: Đã hết cảnh nộp tiền “học cho xong"?

(khoahocdoisong.vn) - Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ về việc giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Bộ GD&ĐT đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Theo đó, Bộ Nội vụ đã đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Nội vụ, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, việc rà soát quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã được Bộ GD&ĐT chủ động triển khai và đề xuất với Bộ Nội vụ từ năm 2020.

Cụ thể, trong quá trình góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101 của Chính phủ và xây dựng các thông tư thay thế các thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, Bộ GD&ĐT từng 2 lần ký văn bản gửi Bộ Nội vụ.

Lần thứ nhất, Bộ đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101 theo hướng đối với viên chức ngành giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ GD&ĐT quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).

Lần thứ hai, tại công văn gửi Bộ Nội vụ về việc xin cấp mã số hạng và thống nhất các dự thảo Thông tư, Bộ đã đề nghị không quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trong tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng. Thay vào đó, quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên của các năm giữ hạng.

Tại thời điểm năm 2020, các ý kiến đề xuất của Bộ GD&ĐT đã được Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu. Tuy nhiên, do các quy định của Luật Viên chức và Nghị định 101 nên chưa thể có điều chỉnh riêng với viên chức ngành Giáo dục.

Dự kiến trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ làm việc trực tiếp với Bộ Nội vụ về một số vấn đề liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức ngành giáo dục, trong đó sẽ trao đổi cụ thể hơn về các nội dung đề xuất nêu trên của Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết, cần phải nhấn mạnh rằng, với đề xuất hiện nay của Bộ Nội vụ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT hoàn toàn thống nhất và đồng tình với nội dung báo cáo và các ý kiến mà Bộ Nội vụ đã đề xuất. Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ GD&ĐT sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Bỏ các lớp học hình thức chính là “học thật, thi thật”

Nhiều giáo viên chia sẻ, trong những năm qua, họ đã vất vả, tốn tiền, tốn thời gian chỉ vì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Việc đi học các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không hề giúp họ nâng cao kiến thức chuyên môn hay phục vụ cho nghề nghiệp. Bởi vì, kiến thức ở các lớp học này không hề mới.

Thực tế, giáo viên không cần đi học lớp bồi dưỡng về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng đã nắm được những kiến thức của những lớp đó. Bởi vì, vào mỗi dịp hè, giáo viên từ cốt cán cho tới đại trà đều phải đi học các lớp bồi dưỡng thường xuyên, các lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT và Sở tổ chức. Kiến thức ở những lớp này cũng không khác gì so với các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Vậy mà, mỗi giáo viên vẫn phải đóng tiền để đi học “cho xong”, bởi nó liên quan  tới giữ hạng, tụt hạng thì tụt lương.

Điều khiến nhiều giáo viên băn khoăn, là vì sao Bộ GD&ĐT nói rằng đã đề xuất lên Bộ Nội vụ về việc này vào năm 2020, nhưng vào tháng 2/2021 Bộ GD&ĐT lại đã ban hành chùm 4 Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập? Trong đó, yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc trụ hạng, thăng hạng.

Tiếp sau đó, vào tháng 3, Bộ tiếp tục ra văn bản về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Rất nhiều giáo viên đã “nháo nhào”, đổ xô đi học chứng chỉ, do sợ sẽ bị ảnh hưởng tới lương. Giờ chứng chỉ không cần nữa, thì cũng đã lãng phí không biết bao tiền của, công sức.

Theo Bộ GD&ĐT, trong đề xuất của Bộ Nội vụ không phải sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Vậy, trong thời gian tới, liệu giáo viên có thực sự được trút bỏ gánh nặng của việc chạy theo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay không?

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có nhắc tới việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”, không cần nói đâu xa, trước hết, việc “thi thật” hãy bắt đầu từ chính giáo viên, từ việc bỏ những lớp học hình thức, lãng phí như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Chỉ khi bản thân người giáo viên được “thi thật”, thì mới mong họ đào tạo các thế hệ học trò cũng “thật”.

Trong văn bản của Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức có hai điểm đáng chú ý. Đầu tiên là Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với tất cả 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng, để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Bộ này cũng đề xuất rà soát, sửa đổi các chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý để tránh trùng lặp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo theo hướng thiết thực.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top