Giảm biên chế, đừng chỉ nghĩ đến số lượng

TS Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Lãnh đạo học và Nghiên cứu chính sách (Viện Lãnh đạo học và Chính sách công) – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi có cảm giác chúng ta đang xây dựng đề án tinh giảm biên chế vẫn thiên về làm sao giảm bớt lượng ngân sách nhà nước chi trả lương cho cán bộ, công viên chức nhiều hơn là xây dựng một nền công vụ với đội ngũ công chức có trình độ chuyên nghiệp cao”

TS Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Lãnh đạo học và Nghiên cứu chính sách (Viện Lãnh đạo học và Chính sách công) – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Duy tình và duy tiền

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, qua rà soát năm 2015, vẫn còn 11 tỉnh sử dụng biên chế vượt so với số được Chính phủ giao. Tôi tự hỏi, thải chăng là nhân sự hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, còn thiếu người trong các cơ quan nhà nước?

Nhìn từ góc độ lịch sử và thể chế thì việc sử dụng biên chế vượt chỉ tiêu hiện nay là vấn đề dễ thấy, không chỉ ở các tỉnh mà có tính hệ thống trong nền công vụ quốc gia. Hiện nay, hình như vấn đề này có lẽ chỉ có nhiều hơn ở lao động khu vực công – khu vực do nhà nước trực tiếp trả lương hơn là các thành phần kinh tế – xã hội khác.

Tôi được biết, có không ít các tổ chức “phi chính phủ” hiện nay số lượng nhân viên làm việc không nhiều, song vẫn đảm đương tốt khối lượng công việc đảm bảo chất lượng. Vậy thì đâu có thể đổ tại cho nhân sự của ta chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Vậy không phải là vì thiếu người?

Nếu nhân sự của ta chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thì lỗi không chỉ ở bản thân cán bộ, công, viên chức mà quan trọng hơn là ở lãnh đạo công tác tổ chức quản lý, phát triển nguồn nhân lực như thế nào?

Ông vừa nhắc đến khu vực lao động ngoài nhà nước với hiệu quả cao dù số lượng ít, và ngược lại là ở khu vực nhà nước. Vì đâu lại có sự khác biệt ấy?

Có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng số lượng lao động cao, song năng suất và chất lượng lao động chưa tương xứng. Trước hết, do chúng ta chưa thực sự đoạn tuyệt triệt để với thói quen của chủ nghĩa “duy tình” và “duy tiền”.

Hai là, thực hiện thể chế về chế độ công chức, công vụ vẫn còn nặng về hình thức “hô khẩu hiệu” thiếu khách quan và minh bạch, còn để “tư duy nhiệm kỳ và nhóm lợi ích” có cơ hội phát huy tác dụng trong công tác tuyển dụng và sử dụng lao động trong khu vực công.

Với những địa phương vượt chỉ tiêu biên chế, có cách gì để điều chỉnh lại? Có xử lý được địa phương ấy?

Tôi nghĩ, xử lý đối với những địa phương vượt chỉ tiêu biên chế hiện nay là vấn đề không dễ thực hiện, bởi hiện tại chúng ta vẫn làm việc dường như theo phương thức phép nước, lệ làng.

Hơn nữa chúng ta lại đang có chủ trương “tự chủ”, vậy thì chủ thể đi phạt và đối tượng chịu phạt là ai? Theo tôi biết, xử lý những địa phương vượt chỉ tiêu biên chế thời gian vừa qua vẫn dừng lại ở sự phê phán, góp ý theo con đường công luận, báo chí. Chứ chưa có địa phương nào bị xử phạt hành chính vì lý do vượt chỉ tiêu biên chế.

Lại “sắp tới”

Sắp tới, sẽ khoán cơ chế hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước. Đối với đơn vị sự nghiệp sẽ tiến tới thực hiện tự chủ 50% đến 100%. Đồng thời xã hội hóa một số dịch vụ công để đến năm 2021 giảm được 10% biên chế đơn vị sự nghiệp… Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

Lại là câu chuyện “sắp tới” với những thuật ngữ quen thuộc như “khoán cơ chế”; “thực hiện tự chủ”… để nói, đây là vấn đề đã được quán triệt từ khi chúng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới. Song đến nay, những tiến triển về vấn đề này vẫn còn khá khiêm tốn.

Ý ông là những điều này không mới, đã nói từ lâu?

Với kinh nghiệm quản lý nhà nước của chúng ta như hiện nay đối với công tác công chức, công vụ, tôi chưa hết băn khoăn về đề án khoán cơ chế hành chính hay thực hiện tự chủ theo tỷ lệ 50%, 100% trong khu vực công.

Bởi vấn đề cốt yếu cần cải thiện hiện nay là năng suất, chất lượng chứ không chỉ là nhà nước đang phải trả lương cho một lực lượng lao động “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

Một khi chúng ta vẫn dùng cơ chế đánh giá chất lượng, tinh giản biên chế theo hình thức dựa trên “hồ sơ lý lịch” hơn là dựa trên “ kết quả bằng chứng”, rất có thể, chúng ta lại phải giải quyết tiếp “sự lặp lại” của một hệ luỵ cũ.

Nghĩa là sao ạ?

Nghĩa là số lượng giảm nhưng năng suất, chất lượng không tăng. Về vấn đề xã hội hoá một số dịch vụ công để trong nhiệm kỳ tới giảm được 10% biên chế, đồng thời tự chủ thêm 10% trong các đơn vị sự nghiệp.

Như tôi biết, chúng ta cũng đã từng có chủ trương cho các cơ quan hành chính sự nghiệp hoạt động dưới hình thức có thu.

Tức là dưới hình thức tự chủ nhất định về tài chính để có thể cải thiện thu nhập nhất định cho một bộ phận công, viên chức. Hy vọng đây sẽ là bài học kinh nghiệm tốt cho các nhà làm chiến lược xây dựng đề án này thiết thực hơn.

Bài học như thế nào ạ?

Tức là xây dựng đề án cần dựa trên cơ sở định lượng, tính toán khoa học, chứ không chỉ là sự ước tính hay phỏng đoán… Tôi có cảm giác chúng ta đang xây dựng đề án tinh giảm biên chế vẫn thiên về làm sao giảm bớt lượng ngân sách nhà nước chi trả lương cho cán bộ, công viên chức nhiều hơn là xây dựng một nền công vụ với đội ngũ công chức có trình độ chuyên nghiệp cao.

Cứ tinh gọn lại phát sinh

Nhưng để nâng cao được chất lượng, tạo ra sự cạnh tranh thì trước tiên phải tinh giảm số lượng?

Tất nhiên đây cũng là động thái cần thiết để kích thích lực lượng cán bộ, công viên chức được giữ lại sẽ làm việc tốt hơn. Song với bản chất ưu việt, nhân văn của xã hội ta về vai trò làm chủ của người lao động, tôi quan tâm nhiều hơn đến giáo dục ý thức lao động và xây dựng phong cách làm việc khoa học, hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, công viên chức mới là điều chính yếu.

Vậy mà ta vẫn chỉ nói về tinh giảm chứ chưa tập trung vào việc nâng cao chất lượng. Đúng là việc tinh giảm không đơn giản, nếu không muốn nói là cực khó?

Trên thực tế, chúng ta đã tiến hành cải cách hành chính (trong đó có nội dung về cải cách bộ máy và tinh giản biên chế) hơn hai chục năm qua song vẫn chưa tạo được “đột phá” hữu hiệu.

Sát nhập “tinh gọn” bộ máy lại phát sinh những hệ lụy mới. Số lượng giảm đa phần là hưu trí, và bản thân đương sự có nhu cầu chuyển nơi làm việc, song số lượng nhận vào thay thế, có khi lại nhiều hơn số lượng giảm. Thực tế là chúng ta chưa chú trọng tiêu chí đánh giá và thiếu mạnh dạn trong thực thi lựa chọn tăng, giảm nhân sự.

Với quyết tâm như vậy thì liệu tới đây có dấu hiệu tươi sáng nào cho việc tinh giảm biên chế?

Tôi trông chờ vào sự đồng thuận và quyết tâm chính trị của Đảng và chính phủ trong nhiệm kỳ tới đây thực sự chú trọng chỉ đạo vấn đề này.

Chắc hẳn là quyết tâm thì làm được?

Đối với một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp cộng với dấu ấn của tác phong lao động theo lối tư duy nông nghiệp sản xuất nhỏ trong đời sống dân trí và quan trí thì sự chậm trễ của tinh giản bộ máy và biên chế là điều khó tránh khỏi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các thành phần, các tổ chức kinh  tế – xã hội “ngoài nhà nước” – tư nhân, phi chính phủ làm được mà chúng ta lại chưa làm được?

Trân trọng cảm ơn ông!

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng nay (29/12/2015), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận không chỉ khó tinh giản biên chế các cơ quan hành chính mà việc giảm biên chế với các đơn vị sự nghiệp cũng không hề dễ dàng. Qua rà soát vẫn còn 11 tỉnh sử dụng biên chế vượt so với số được Chính phủ giao. Vì vậy để thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, ông Bình đề nghị các địa phương đang sử dụng “vượt” biên chế được giao phải tự điều phối, giảm đúng chỉ tiêu được giao.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top