Giảm ăn mặn đối với bệnh nhân huyết áp

(khoahocdoisong.vn) - Trong các yếu tố nguy cơ đối với bệnh không lây nhiễm nói riêng và đặc biệt đối với bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường nói chung thì ăn mặn là một yếu tố rất quan trọng. Một khi đã mắc cả tiểu đường và huyết áp thì càng không nên ăn mặn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (60 tuổi, Hải Dương) bị đái tháo đường nhiều năm, ông phải áp dụng chế độ ăn kiêng và giảm mặn. Riêng giảm ăn mặn rất khó thực hiện vì ông đã quen ăn mặn từ thời còn trẻ. Gần đây huyết áp lên cao, đi khám bác sĩ nói ông phải bỏ thói quen ăn mặn không thì cả bệnh đái tháo đường và huyết áp đều không tốt.

Lời bàn: BS Thu Trang, Hội Giáo dục người đái tháo đường cho biết, trong các yếu tố nguy cơ đối với bệnh không lây nhiễm nói riêng, đặc biệt là đối với bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường nói chung thì ăn mặn là một yếu tố rất quan trọng. Một khi đã mắc cả đái tháo đường và huyết áp thì càng không nên ăn mặn. Khẩu phẩn ăn mặn (nhiều muối) sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu gây tăng huyết áp và làm nặng thêm bệnh tăng huyết áp. Ăn mặn còn có thể gây ung thư dạ dày. Mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 5g muối. Người bệnh nên giảm lượng natri trong khẩu phần đi ít nhất là một nửa bằng cách, giảm một nửa lượng muối, nước mắm nêm vào thức ăn. Không nên để nước chấm trên mâm, giảm bớt thực phẩm chế biến sẵn. Trong khẩu phẩn ăn hằng ngày cũng nên tăng các thực phẩm chứa nhiều kali, canxi, nên uống thêm sữa, đặc biệt là sữa không đường. Nên ăn tăng rau và quả, nhưng không lựa quả quá ngọt như chuối, xoài, na, nhãn…

Theo Đời sống
back to top