Giải quyết quyền lợi 5.671 nạn nhân thế nào trong vụ lừa đảo của Công ty Alibaba

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tải sản của Công ty Alibaba có tới 5.671 nạn nhân, với số tiền bị lừa đảo lên đến trên 2.400 tỷ đồng. Do vụ án chỉ mới hoàn tất điều tra bổ sung để truy tố các bị can, Viện kiểm sát chưa ra cáo trạng nên chưa có hướng giải quyết thiệt hại cho 5.671 nạn nhân.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã truy tố các bị can Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật để bán. Cụ thể là tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, rồi phân lô, tách thửa trái pháp luật.

Trong bị án này, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa đảo 5.671 nạn nhân, chiếm đoạt với số tiền là 2.435 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên các bất động sản tại TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận với tổng trị giá ước khoảng 1.400 tỷ đồng.

Đồng thời phong tỏa, tạm giữ 45,4 tỷ đồng từ các tài khoản ngân hàng của các bị cáo và các công ty con thuộc Công ty Alibaba cùng 23 chiếc xe ô tô có giá trị 15,2 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng cũng tiến hành thủ tục tạm giữ các khoản tiền do Công ty Alibaba đặt cọc cho các chủ nhà là 1,6 tỷ đồng…

Do vụ án chỉ mới hoàn tất điều tra bổ sung để truy tố các bị can, Viện kiểm sát chưa ra cáo trạng nên chưa đưa ra hướng giải quyết thiệt hại cho 5.671 nạn nhân.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, nguyên thẩm phán TAND TP. HCM phân tích, đây là vụ khá hy hữu với số lượng nạn nhân rất lớn, những bị hại này có thể được nhận lại một phần hay toàn bộ thiệt hại về tài sản do các bị cáo gây ra.

Cơ quan điều tra đã phát hiện sớm các hành vi được xem là tội phạm, kê biên, phong tỏa nhiều đất đai, tài sản... giá trị ước tính hơn 1.400 tỷ đồng. Theo quy định bồi thường dân sự trong vụ án hình sự thì tài sản bị lừa đảo trong vụ án này không được tính lãi như án dân sự.

Chỉ đến khi các cấp tòa tuyên án, bản án có hiệu lực pháp luật thì từ thời điểm đó mới tính phần lãi. Như vậy, toàn bộ 5.671 nạn nhân, nếu được nhận phần bồi thường thì cũng chỉ được thực hiện sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều luật sư khác, vụ án này liên quan tới khá nhiều tài sản là đất đai, nên giá trị có thể tăng hoặc giảm nhiều lần so với giá trị lúc đầu. Nên xử lý sao để đảm bảo quyền lợi cho những người bị hại là vấn đề khá phức tạp. Nhất là khi số lượng nạn nhân lại quá lớn như hiện nay.

Theo Đời sống
back to top