Giải Pulitzer có khiến anh trở thành người tốt không?

Giải Pulitzer có khiến anh trở thành người tốt không? Câu hỏi của Hemingway khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc tại sao con người ta không mấy ai mơ ước trở thành người tốt.

Hình minh họa.

Trong bộ phim Hemingway ở Cuba, Hemingway có hỏi một nhà báo trẻ: Giải Pulitzer có khiến anh trở thành người tốt không?

Thật là thâm thúy. Tôi chưa bao giờ nghĩ lại có một câu hỏi như thế. Bởi một giải thưởng danh giá mang lại cho người ta rất nhiều thứ: sự nổi tiếng, những cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp… Thế là đủ, việc gì phải nghĩ đến chuyện nó có làm anh trở thành người tốt không.

Chúng ta mải chạy theo danh vọng, phấn đấu để đạt được một giải thưởng, một danh hiệu, một địa vị, một mục đích nào đó… đã hết hơi hết sức. Chẳng còn tâm chí đâu mà nghĩ đến việc đặt câu hỏi, liệu những điều chúng ta khát khao, chúng ta mơ ước và tìm mọi cách đạt được ấy có khiến ta trở thành người tốt.

Trong khi mọi thứ danh tiếng, chức tước, tiền bạc chỉ là nhất thời, còn cái điều cốt tử nhất trong cuộc đời của mình, đó là trở thành người tốt.

Đáng lẽ đó phải là câu hỏi luôn thường trực, luôn canh cánh trong đầu mỗi người, để làm gì, quyết định việc gì cũng phải nghĩ liệu điều đó có làm ta thành người tốt không.

Ngay đến đứa trẻ con khi được hỏi về mơ ước của mình, đứa nào cũng mơ trở thành bác sĩ, giáo viên, nhà khoa học, nhà du hành vũ trụ hay tỉ phú… Không thấy đứa nào mơ ước trở thành người tốt. Vì sao vậy? Vì con đường trở thành người tốt gian nan quá.

Trong các tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng, những người tốt bao giờ cũng khổ. Từ anh kỹ sư thủy lợi đến anh giáo viên…, tốt quá, trong trẻo quá, thẳng thắn quá nên luôn bị những kẻ cơ hội căm ghét, chèn ép, vùi giập, hãm hại.

Đến nỗi người thì bỏ mạng, kẻ thì bị mất sạch mọi thứ…, nhưng họ vẫn không thay đổi, không quỳ gối, không giả dối.

Tôi cứ băn khoăn, làm người tốt khổ như thế thì ai dám. Nhưng có lẽ ai biết được thế nào là sướng hay khổ.

Chúng ta ai cũng biết thế nào là đúng- sai, tốt- xấu…, nhưng lắm khi vì quyền lợi, vì sự yên ổn của bản thân, ta chấp nhận làm ngơ, thậm chí hùa theo cái xấu, cái sai.

Chúng ta cứ nghĩ mình khôn ngoan khi biết né tránh, biết im lặng để được yên thân.

Nhưng có những người nếu phải sống giả dối như thế, họ sẽ vô cùng đau khổ. Vì vậy, họ thà chấp nhận thua thiệt về vật chất, đau khổ về thể xác chứ nhất định không chịu nhượng bộ kẻ xấu, không thể chịu những giày vò về tinh thần. Họ thật dũng cảm!

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top