Giải pháp nhà an toàn vùng lũ

(khoahocdoisong.vn) - Dù đã có rất nhiều mô hình nhà chống lũ song cho đến nay, chưa thể có một công nghệ hoàn thiện để xây dựng nhà an toàn cho người dân vùng lũ. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam lựa chọn ra một số mẫu phù hợp để đề xuất nhân rộng.

Nhiều công nghệ, nhưng ít khả thi

KTS Lã Thị Kim Ngân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, Bộ NN&PTNT đã xây dựng được hơn 3.450 ngôi nhà cho người dân vùng lũ. Trong đợt mưa lũ kéo dài tháng 9 – 10/2020 vừa qua, nhà ở an toàn đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra. Dù vậy, hiện có tình trạng hiện nay, nhiều nhà ở phòng, chống thiên tai được xây dựng không an toàn do kết cấu không bảo đảm, hoặc do người dân chưa biết cách sử dụng... Các mô hình, ý tưởng, công nghệ rất nhiều, nhưng thiếu tính khả thi, ít được áp dụng. Hệ quả là khi thiên tai bão lũ xảy ra, nhà bị lũ cuốn, thiệt hại về người và của không giảm.

Hiệu quả thiết thực, chi phí không cao và điều quan trọng nhất, đó chính là chiếc phao cứu sinh giúp bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Mặc dù vậy, nhà lõi, nhà phao, nhà chống lũ… cho đến nay vẫn chưa được nhân rộng. KTS Ngô Doãn Đức, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết các mô hình nhà chống lũ đơn giản, hiệu quả với chi phí thấp cần được nghiên cứu, thử nghiệm, đầu tư phát triển để góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu nói chung. Việc xây dựng nhà chống lũ có nguyên tắc riêng, không khó áp dụng.

Nhà chống lũ phải được xây dựng ở những nơi khuất gió bão, tránh được hướng gió chủ đạo là địa điểm lý tưởng để xây dựng nhà chống lũ lụt. Cũng có thể chọn những địa hình có nhiều vật cản như đồi, gò hoặc trồng thêm cây để giảm thiểu tác động trực tiếp của gió bão. Nên tránh xây nhà chống lũ ở những nơi trống trải, chịu ảnh hưởng của lũ quét, gió bão như ven bờ biển, hồ lớn, ven sông hoặc nơi hút gió. Kết cấu móng nhà chống lũ cần phải đủ khả năng chịu lực và neo giữ được các kết cấu bên trên trước tác động của gió bão. Vật liệu làm móng phải bền chắc, không bị hư hỏng khi bị ngập úng lâu ngày. Nhà chống ngập lụt, mưa bão nên có dạng hình chữ nhật, không quá dài. Nên bố trí các công trình thành cụm, bố trí so le nhau, tránh sắp xếp thẳng hàng bởi dễ hình thành các túi gió hoặc luồng gió xoáy.

Sẽ thực hiện thí điểm quần cư nhà chống lũ

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất được làm thí điểm nhà ở an toàn tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai là Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Đây là 3 khu vực có đặc điểm thiên tai mang tính đại diện. Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ thiết kế một tổ hợp quần cư, từ đó nâng cấp các mẫu nhà ở. Đồng thời, thi công triển khai các tổ hợp này, làm cơ sở đánh giá để phát triển trên diện rộng… Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam lựa chọn ra một số mẫu phù hợp để đề xuất nhân rộng. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị giới thiệu một số mẫu nhà để các địa phương vùng lũ phổ biến đến người dân. Nghiên cứu lựa chọn mẫu nhà phù hợp. Đặc biệt là sẽ thí điểm làng mang tính cộng đồng an toàn trước thiên tai.

Các giải pháp kiến trúc chống ngập lụt, theo các chuyên gia là ngôi nhà nên được xây dựng trên mực nước lũ để giảm thiểu thiệt hại nếu lũ lụt xảy ra. Phổ biến nhất là xây dựng cấu trúc trên cột hoặc nhà sàn. Nền móng của ngôi nhà cần được nâng cao hơn. Sử dụng những vật liệu có thể tiếp xúc với nước lũ trong ít nhất 72 giờ mà không bị hư hại đáng kể. Vật liệu chống ngập phải bền và chịu được độ ẩm cao, điển hình như bê tông, gạch tráng men, bọt cách nhiệt, các phần cứng bằng thép, ván ép được xử lý bằng áp lực và ván ép biển, gạch men, keo chống nước, sơn bột tĩnh điện epoxy polyester…

Nâng cao vị trí lắp đặt hoặc sử dụng biện pháp chống ngập cho thiết bị nội thất. Những thiết bị này bao gồm hệ thống sưởi, thông gió, điều hòa không khí, hệ thống ống nước, đồng hồ, công tắc và ổ cắm điện... Lắp đặt các thiết bị trên mức chống ngập là cách tốt nhất để bảo vệ chúng khỏi nước lũ. Các chuyên gia đề nghị tiếp tục nghiên cứu công nghiệp hoá việc sản xuất hàng loạt nhà ở an toàn phòng, chống thiên tai trên cơ sở bảo đảm tính đồng bộ. Về lâu dài, cần tính đến các yếu tố để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, ngay cả trong tình trạng bão lũ.

Theo Đời sống
back to top