Giải mã cồn cát bỗng nhiên nổi trên biển

(khoahocdoisong.vn) - Cồn cát có diện tích đến 15ha vừa xuất hiện ở biển Cửa Đại là kết quả của trận lũ lịch sử. Bên dưới tồn tại một cồn cát ngầm rộng khoảng 100ha.

Đã từng có cồn cát bỗng dưng xuất hiện

PGS.TS Trần Thanh Tùng, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, khoảng từ 1981 đến 1988, một cồn cát từng nổi lên ở phía bắc Cửa Đại, được người dân gọi là Cồn Áng, nằm cách bờ 2km, dài 4,5km, rộng trung bình 500m. So với cồn cát hiện nay, cồn cát này rộng hơn và nằm gần bờ hơn.

Theo PGS Trần Thanh Tùng, có 3 nguyên nhân dẫn đến hình thành cồn nổi là do sóng Đông Nam chiếm ưu thế, tạo cồn nổi, gió vun cát bề mặt bãi nổi. Kết hợp với việc sông Thu Bồn xuất hiện lũ lớn, tải lượng bùn cát lớn ra biển trong thời gian ngắn. Sau đó một thời gian dài không có lũ, bão hay các trận gió mùa đông bắc mạnh. Các yếu tố trên hội tụ giúp cồn cát ở Cửa Đại nhô lên khỏi mặt biển, trở thành hiện tượng thiên nhiên đáng quan tâm.

Trong thời gian diễn ra trận lũ lịch sử từ 4 - 7/11/2017, sông Thu Bồn đã mang ra biển một lượng bùn cát bằng một nửa tổng lượng bùn cát cả năm. Theo ước tính của các nhà khoa học, trong 4 ngày lũ, sông Thu Bồn đã mang ra biển tới 3,12 triệu tấn bùn cát, bằng 55% tổng lượng bùn cát của lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn trong cùng năm. Lượng bùn cát này lớn hơn so với trung bình lượng bùn cát đổ ra biển hàng năm của Vu Gia – Thu Bồn (khoảng 2,5-2,8 triệu tấn).

Không nên khai thác cát

PGS.TS Vũ Thanh Ca, chuyên gia về biển và hải đảo chia sẻ, sự hình thành cồn cát ven biển Cửa Đại là tín hiệu vui. Đây là một nguồn cát rất lớn phục vụ khôi phục bãi biển Cửa Đại. 

Những năm trước đây, nhiều nhà khoa học đã đề xuất phương án nuôi bãi Cửa Đại theo cách sử dụng “động cơ cát” do một nhà khoa học nổi tiếng ở Hà Lan đề xuất. Tuy vậy, vấn đề rất quan trọng cần phải trả lời là nguồn cát ở đâu để nuôi bãi. Sự xuất hiện của cồn cát tại cửa sông Thu Bồn đã cho ta một câu trả lời hoàn mỹ cho câu hỏi đó. Do đó, phải cố gắng giữ nguyên cồn cát, tuyệt đối không được khai thác cát.

Nếu cồn cát không ảnh hưởng tới việc tàu thuyền ra vào Cửa Đại thì không cần làm gì. Cứ để vậy rồi sóng và dòng chảy sẽ mang cát vào bồi cho bãi. Nếu cồn cát ảnh hưởng tới luồng tàu, thuyền thì nên nạo vét, thông luồng và chở cát lên phía bắc, ngay sát bãi tắm Cửa Đại. Sóng và dòng chảy sẽ mang cát vào bồi cho bãi và bảo vệ bãi, giúp phục hồi bãi biển Cửa Đại bị sạt lở nhiều năm qua.

Hiện tượng cồn cát hình thành tại cửa sông rất phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Dân vùng ven biển thường gọi các cồn cát chưa hoàn toàn xuất hiện trên mặt biển là “cồn mờ”, còn cồn cát xuất hiện hoàn toàn trên mặt biển, như cồn ở Cửa Đại hiện nay là “cồn tỏ”. 
 

Năm 1989, trận bão Cecil đã khiến Cồn Áng bị dịch chuyển, nối với bờ bắc, tạo ra doi cát nổi kiểu bán đảo và một vịnh nửa kín bên trong Cửa Đại. Suốt từ đó đến nay, hình thái bờ biển liên tục bị thay đổi song luôn tồn tại cồn ngầm nối giữa bờ bắc và bờ nam biển Cửa Đại.

Theo Đời sống
back to top