Giá urea tăng cao, nông dân không được lợi, Đạm Cà Mau lo chuyện tăng giảm lãi

(khoahocdoisong.vn) - Hưởng lợi thế nhờ giá phân bón tăng cao, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, Đạm Cà Mau vẫn thận trọng đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn cho năm 2021.

Lãi lớn trong ngắn hạn

Từ năm 2020, giá phân bón có nhiều biến động và tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2021.

Trên thị trường, giá bán lẻ phân đạm Cà Mau (urea Cà Mau) đang ở mức từ 500.000 - 510.000đ/bao 50kg, tăng hơn 150.000đ/bao so với cuối năm trước. Nhiều loại phân bón khác của công ty cũng tăng tới 35% so với thời điểm đầu năm 2021.

Theo dữ liệu từ Agromonitor, giá bán Đạm Cà Mau trong nước trung bình tháng 2 đã tăng 24% so với trung bình quý 4/2020, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 28% so với trung bình cả năm 2020. 

Kết thúc quý 1/2021, doanh thu bán hàng của Đạm Cà Mau ước đạt 1.873 tỷ đồng, tăng 39% so với thời điểm đầu năm (tương đương tăng 525 tỷ đồng). Có được mức tăng doanh thu lớn này là do Đạm Cà Mau đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, tăng hơn gấp 3 lần so với quý 1/2020.

Lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau trong 3 tháng đầu năm đạt 152 tỷ đồng, đã thực hiện được khoảng 78% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra, trong khi doanh thu mới đạt 24% kế hoạch.

Khi nguồn cung phân bón trong nước đang thiếu hụt đáng kể dẫn đến giá bán liên tục tăng cao, Đạm Cà Mau lại có lợi thế lượng hàng tồn kho khá lớn từ năm 2019 khi giá thành trên thị trường còn ở mức thấp.

Từ quý 2/2020, giá phân bón có chiều hướng tăng, Đạm Cà Mau đã tận dụng đưa lượng hàng tồn kho để bán ra thị trường, nhờ đó thu được chênh lệch giá khá lớn.

Cụ thể, năm 2020, lượng thành phẩm và hàng hoá tồn kho của Đạm Cà Mau đã giảm mạnh lần lượt 75% và 59%. Hàng tồn kho từ 1.310 tỷ đồng giảm còn 834 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Sang quý 1/2021, lượng hàng hoá tồn kho của Đạm Cà Mau đã giảm 11,4% so với đầu năm.

Hiện tồn kho hàng hoá của Đạm Cà Mau vẫn còn khoảng 739 tỷ đồng. Trong đó, lượng nguyên vật liệu còn trong kho khoảng 508 tỷ đồng và 165 tỷ đồng hàng hoá, thành phẩm.

Theo Đạm Cà Mau, nguyên nhân giá phân bón tăng là do nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón. Cụ thể, sản xuất urea phụ thuộc nhiều vào giá khí, trong khi giá khí thì phụ thuộc vào giá dầu. 

Trước đó, doanh nghiệp tận dụng lợi thế giá khí thấp thời điểm đầu năm 2020 nên đã tích cực mua trữ nguyên vật liệu, tạo nhiều dư địa để tiếp tục đẩy cao lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Dài hạn vẫn còn nhiều chông gai

Trước tình hình giá phân bón tăng sốc, Bộ Công Thương đánh giá, biến động giá phân bón thời gian gần đây chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển… chứ không phải do nhu cầu trong nước đối với phân bón tăng mạnh so với trước. Ðồng thời, dịch Covid-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó cũng góp phần đẩy giá nhích lên, nhất là đối với phân bón DAP và urea.

Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật...

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ với các nhà máy sản xuất phân bón trong nước, đề nghị các đơn vị hạn chế tối đa xuất khẩu, ưu tiên tối đa thị trường trong nước để cân bằng ổn định.

Nếu hạn chế xuất khẩu, doanh thu của Đạm Cà Mau chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Bởi hiện tại, nhu cầu nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc đang ngày càng lớn.

Chưa kể, giá phân bón tăng quá nhanh trong thời gian qua đang gây căng thẳng cho ngành nông nghiệp trong nước do làm tăng chi phí sản xuất.

Gánh nặng chi phí có thể khiến nông dân giảm bón phân, kéo theo giá bán phân bón các quý sau khó duy trì ở mức cao.

Hơn nữa, khi lượng cung cầu trong nước được ổn định, dự báo giá bán phân bón sẽ giảm dần từ cuối năm 2021. Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích thị trường, giá dầu trên thế giới vẫn duy trì cao hoặc tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thực tế, giá dầu trong 4 tháng qua đã tăng lên 65 - 66USD/thùng, cao gấp 4 lần so với mức giá thấp nhất vào tháng 4/2020 (không tính đến sự kiện giá dầu giảm xuống mức âm), tương ứng giá khí là 5,8USD/BTU, trong khi giá thành sản xuất phân urea của Đạm Cà Mau có gần 50% đến từ giá khí nguyên liệu. 

Nguyên vật liệu đầu vào khó khăn, giá khí tăng, cung cầu bình ổn sẽ làm giảm dần hiệu ứng tích cực lên lợi nhuận của công ty sản xuất kinh doanh phân bón như Đạm Cà Mau trong dài hạn.

Lường trước được những khó khăn trong dài hạn, Đạm Cà Mau đã thận trọng trong việc đặt ra mục tiêu kinh doanh năm 2021, với lợi nhuận chỉ bằng 1/3 kết quả thực hiện năm 2020.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc của Đạm Cà Mau cho biết, năm 2021 vẫn là một năm tiếp tục khó khăn. Công ty sẽ tìm giải pháp để tăng sản lượng và không loại trừ việc M&A một nhà máy khác.

Đạm Cà Mau kỳ vọng sẽ tìm được nhà đầu tư chiến lược quốc tế, tuy nhiên vướng mắc pháp lý do chưa được phê duyệt quyết toán cổ phần hoá. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đại diện Nhà nước) vẫn đang nắm giữ 75,56% số vốn của Đạm Cà Mau.

Theo Đời sống
Nhiều sai phạm tại Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An

Nhiều sai phạm tại Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An

Ngoài việc nghiệm thu, quyết toán không đúng khối lượng, đơn giá hạng mục tại nhiều công trình, Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An còn không nộp trả ngân sách Nhà nước chi phí quản lý dự án, đầu tư xây dựng không có đối tượng chi trả.
back to top