Giá, phí leo thang, dân và doanh nghiệp “ngồi trên lửa”

Dịch Covid-19 khiến túi tiền người dân, doanh nghiệp ngày càng eo hẹp. Nhưng diễn biến giá cả thị trường lại liên tục tăng cao, khiến cuộc sống người dân ngày thêm khó khăn.

Các chuyên gia kinh tế dự báo áp lực tăng giá trong 2 tháng cuối năm 2021 là rất lớn. Nguyên nhân chính là chi phí nguyên liệu đầu vào tất cả lĩnh vực, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến chi phí vận chuyển, logistics, xăng dầu… trong nước đều tăng mạnh.

Giá cao, “bồi thêm” phí

Giá xăng, dầu tiếp tục chuỗi tăng, lên quanh mức 24.000đ/lít - cao nhất trong nhiều năm qua.

Áp lực từ xăng tăng giá, cộng với những ảnh hưởng từ dịch Coivd-19 khiến giá cả nhiều loại mặt hàng “leo thang” chóng mặt, từ rau, củ trái cây cho đến sắt, thép… liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 10/2021, chỉ có 3 nhóm hàng hóa là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm giá trong khi 8 nhóm hàng hóa khác tăng.

Trong khi doanh nghiệp và người dân đang khó khăn vì giá cả tăng cao, Hà Nội và TPHCM lại đề xuất phương án thu phí ô tô vào trung tâm, khiến người dân tại các thành phố này lại lo ngại chịu thêm khoản “phí”.

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, ông Nguyễn Thành An, Giám đốc doanh nghiệp dịch vụ vận tải tại quận Tân Bình, TPHCM cho biết, tất cả các loại phí vận tải, cuối cùng cũng sẽ đẩy vào chi phí khách hàng, nghĩa là khách hàng sẽ là đối tượng chịu thiệt.

“Ví dụ, trước đây, khách thuê xe từ TPHCM đi TP Vũng Tàu phải trả 1,3 triệu đồng (khi đó giá xăng 14.000đ/lít, cả đi lẫn về hết 300.000đ tiền xăng, cộng 1 triệu đồng tiền công chở) nay phải tăng lên 1, 5 triệu đồng (vì giá xăng tăng lên 24.000đ/ lít, cả đi lẫn về hết 500.000đ tiền xăng) khoản phát sinh này khách phải trả thôi” - ông An nói.

Trường hợp khách đồng ý chở vào vào trung tâm, thì khách sẽ phải chịu trả phí. Trường hợp khách không đồng ý, thì phí đậu xe bên ngoài khách vẫn phải chịu. “Tóm lại là mọi chi phí khách hàng phải chịu” - ông An nói.

Còn đại diện Công ty CP Tập đoàn Mai Linh cho biết, ngành vận tải taxi quy định, đối với phí cầu đường hay các loại phí khác như phí vào sân bay… thì khách hàng phải chi trả.

Do đó, nếu có việc thu phí vào trung tâm, thì người sử dụng dịch vụ sẽ phải chi trả khoản phí này. Tuy nhiên, về lâu dài cũng phải xem nó tăng như thế nào thì doanh nghiệp mới tính được.

gia-xang-anh-huong-truc-tiep-toi-chi-so-gia-cpi..jpeg
Giá xăng ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số giá CPI.

Chọn thời điểm

Phân tích rõ hơn về tác động của, giá, phí tăng cao lên nền kinh tế, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Trưởng Bộ phận môn Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, việc tăng chi phí giao thông, cộng với giá xăng dầu và giá thép tăng sẽ làm cho giá cả trên thị trường gia tăng, nhất là giá xăng ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số giá CPI.

Cụ thể, giá xăng dầu tăng 10% sẽ trực tiếp làm cho chỉ số CPI tăng 0,36%, điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Khẳng định lạm phát trong năm 2022, ông Nga đưa ví dụ, thép chiếm trong chi phí trung gian của nền kinh tế khoảng 6,2% và chiếm trong giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế khoảng 1,4%. Như vậy, khi giá thành của thép tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế.

Theo tính toán thì giá thép tăng 40% sẽ làm cho chi phí trung gian của nền kinh tế tăng 8,68%, giá sản xuất của ngành xây dựng tăng khoảng 2% và đặc biệt là giá nhà có thể tăng gần 10%.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung và các hàng hóa khác gắn với giá thép, giá xăng dầu.

Về đề xuất thu thêm phí vào nội đô mới được đề xuất, về bản chất là để điều chỉnh hành vi người dân, góp phần giảm lượng xe đi vào khu vực nội đô, không phải nhằm tăng ngân sách nhà nước.

Ông Nga cho rằng, số tiền phí thu được sẽ được tái đầu tư cho các công trình giao thông, kiềm chế ô nhiễm môi trường và các hoạt động an sinh khác.

Tuy nhiên, việc thu phí này trước mắt sẽ tác động mạnh mẽ đến người dân ngoại thành đang làm việc trong nội thành, nhất là những lao động tự do, tiểu thương buôn bán nhỏ.

Hà Nội và TPHCM là 2 trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của đất nước, do đó, những tác động của việc thu phí này có thể tác động đến cả xã hội.

Lưu ý rằng, việc thu phí này đã được TPHCM và Hà Nội đưa ra từ lâu, đã từng đề xuất nhiều lần, nhưng vẫn không thể thực hiện. Như tại Hà Nội, đề xuất này đã bị HĐND bác bỏ 3 lần, TPHCM có chủ trương từ 10 năm trước nhưng không thể triển khai.

Theo Tổng Cục thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 tiếp tục giảm 0,2%, đưa CPI bình quân 10 tháng chỉ còn tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây, khiến gần như chắc chắn, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức dưới 4% sẽ đạt được.

Theo Đời sống
back to top