Gia Lai: Dính “bẫy lừa” khi sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”

Ngày 13/6, Công an tỉnh Gia Lai đã phát đi thông báo về phương thức, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng lôi kéo, lừa xuất cảnh làm việc tại Campuchia để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, thời gian qua, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều tin báo tố giác các đối tượng thông tin tuyển dụng nhằm lôi kéo người dân đi lao động, làm việc tại Campuchia qua mạng xã hội.

Cụ thể, các đối tượng này đăng thông báo tuyển dụng làm các công việc đơn giản, yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, mức lương hấp dẫn. Tin vào lời giới thiệu, một số người đã đồng ý đi làm việc tại Campuchia. Sau đó, những người này được đưa sang Campuchia, vào các địa điểm có tên công ty do người Trung Quốc làm chủ.

Tuy nhiên, khi tới nơi, họ đã nhận ngay “trái đắng” khi được hướng dẫn lập các tài khoản mạng xã hội để tuyển cộng tác viên, giả danh nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan Nhà nước… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam, người Trung Quốc và người dân ở các nước khác.

cua-khau.png

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nối giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri (Campuchia).

Cùng đó, các nạn nhân được giao chỉ tiêu số tiền lừa được hàng tháng, nếu không đạt sẽ bị cho vào diện vi phạm hợp đồng và bị phạt với mức từ 1.000 USD/tháng. Người nào chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống. Đa số những nạn nhân đều không hoàn thành chỉ tiêu được giao, nhưng muốn trở về Việt Nam thì phải bồi thường tiền “vi phạm hợp đồng”. Để có tiền bồi thường, họ phải liên lạc với gia đình gửi tiền cho các đối tượng mới được cho về.

Công an tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận có 4 nạn nhân bị các đối tượng lừa, dụ dỗ sang Campuchia làm việc. Trong đó, P.P.T (sinh năm 1999, trú tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông) bị đưa sang Campuchia làm trong công ty do người Trung Quốc điều hành. Sau khi không hoàn thành chỉ tiêu, T muốn về Việt Nam, gia đình đã phải chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì mới được thả về.

Tương tự, Đ.V.T (sinh năm 2007, trú huyện Mang Yang) cũng bị lừa sang Campuchia làm việc. Khi Đ.V.T muốn về Việt Nam, gia đình cũng buộc phải chuyển vào tài khoản cho các đối tượng 130 triệu đồng…

Qua sự việc trên, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Trường hợp công dân bị lôi kéo, lừa đảo với hình thức như trên thì báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý.

Theo Đời sống
back to top