Giá dầu rơi tự do, lo ngân sách thêm áp lực "thủng đáy"?

(khoahocdoisong.vn) - Trước ảnh hưởng của hàng loạt yếu tố rủi ro, giá dầu thế giới đang lao dốc và có những phiên giao dịch giảm giá lịch sử. Mối lo cho ngân sách năm 2020 của Việt Nam, theo đó, cũng tăng dần.

Giá dầu giao tháng 5 giảm về âm 36,9 USD/thùng

Trong năm 2019, giá dầu thế giới liên tục biến động với biên độ rộng. Tính chung, giá dầu Brent và WTI tăng khoảng 12% so với thời điểm đầu năm và chốt ngày 31/12/2019 lần lượt ở mức 66 USD và 61,07 USD/thùng.

Tuy nhiên, tới năm 2020, khi phải hứng chịu tác động kép do nhu cầu sụt giảm và trong khi nguồn cung tăng, giá dầu đã lao dốc không phanh.

Về nhu cầu, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên nhiều quốc gia khiến nền kinh tế thế giới phải chịu tác động tiêu cực. Tại báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo nền kinh tế thế giới giảm 3% trong năm 2020 nếu dịch Covid-19 kéo dài sang quý 3/2020. Hay GDP Trung Quốc trong quý 1/2020 giảm gần 7%. Hệ quả là nhu cầu về hàng hoá nói chung, trong đó có xăng dầu sụt giảm mạnh.

Về nguồn cung, OPEC+ (gồm OPEC và các nước liên minh xuất khẩu dầu) và Nga không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khai thác đã khiến lo ngại lượng cung sẽ tăng sau thời hạn 31/3, khi các nước sẽ loại bỏ mọi giới hạn sản xuất của chính họ.

Phiên giao dịch ngày 20/4 vừa qua là minh chứng rõ nhất cho đà lao dốc của thị trường dầu quốc tế. Trong đó, giá dầu WTI tương lai giao tháng 5 rơi tự do về âm 36,9 USD/thùng, giảm 55,17 USD, tương đương  giảm 301,97%, từ mức đóng cửa 18,27 USD/thùng phiên liền trước. Đây là lần đầu tiên vùng âm giá dầu xuất hiện kể từ khi thị trường dầu tương lai ở New York bắt đầu vận hành vào năm 1983.

Được biết, hợp đồng tương lai giá dầu giao tháng 5 sẽ đáo hạn vào ngày 21/4. Tại thời điểm đóng cửa, người mua vẫn giữ trạng thái mua sẽ nhận dầu tại Cushing, Oklahoma, Mỹ.

Như đã nói ở trên, dầu đang thừa do thừa cung và thiếu cầu, các kho chứa cũng gần như quá tải nên những nhà đầu tư không có nhu cầu nhận dầu. Mặt khác, nếu nhận dầu rồi đổ đi, mức phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường lại rất cao nên cung hợp đồng bán dầu tăng đột biến, người bán phải... trả tiền cho người mua.

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ giao dịch hợp đồng dầu gần nhất là chính, trong thời điểm này là hợp đồng giao tháng 5. Khi hợp đồng này đáo hạn ngày 21/4, người mua lại tập trung giao dịch hợp đồng giao tháng 6/2020. Hiện tại, giá dầu giao tháng 6 cùng phiên giao dịch ở quanh mức 20,43 USD/thùng, chỉ giảm 18%. Do đó, giá này phản ánh đúng hơn giá trị thực của thị trường hiện nay.

Song, chênh lệch giữa hai hợp đồng WTI tương lai sát nhau tháng 5 và tháng 6 lên đến gần 58 USD, lớn nhất trong lịch sử. Điều đó cho thấy giới đầu tư đang cực kỳ lo lắng về sức chứa tức thời của các kho trữ dầu. Đồng thời, nó cũng cho thấy phần nào sự sụt giảm của thị trường dầu thế giới.

Lo ngân sách 2020

Đối với Việt Nam, giá dầu giảm trong thời gian vừa qua có nhiều tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong đó, tác động tích cực như giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu; khuyến khích nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp; giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô… Trái lại, tác động tiêu cực chủ yếu là làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Theo thống kê, từ năm 2000 đến nay, tỷ trọng nguồn thu từ dầu thô trong ngân sách giảm từ mức bình quân 25% giai đoạn 2000-2008 xuống còn 13% giai đoạn 2009-2014 và chỉ còn khoảng 4,7% giai đoạn 2015-2019. Tổng thu ngân sách từ dầu thô cũng giảm từ mức 115 nghìn tỷ đồng năm 2013 xuống chỉ còn khoảng 53 nghìn tỷ đồng năm 2019.

Do vai trò và tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng ngân sách Nhà nước đã giảm, nên ảnh hưởng của việc giảm giá dầu đến ngân sách là không nhiều. Nhưng khi giá dầu giảm mạnh, đặc biệt giảm mạnh hơn so với giá dự toán sẽ dẫn tới nguồn thu ngân sách giảm.

Bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp đến thu từ dầu thô, các loại thuế từ xăng, dầu như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng bị ảnh hưởng, do giá dầu suy giảm. Chẳng hạn, hiện cơ cấu giá xăng (từ 1/1/2020) được cộng 8 khoản, gồm giá CIF tính thuế, thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (4.000đ), chi phí định mức kinh doanh (tùy theo loại xăng RON95 hoặc E5), lợi nhuận định mức và trích quỹ bình ổn (tùy loại xăng dầu)... Do đó, giá xăng dầu giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các loại thuế thu được từ xăng, dầu.

Ngoài ra, đối với một số doanh nghiệp khai thác dầu khí như hoạt động cốt lõi, việc giá dầu giảm thấp sẽ làm giảm nguồn thu, giảm lợi nhuận. Theo đó, tiền nộp thuế thu nhập của những doanh nghiệp này vào ngân sách cũng giảm tương ứng.

Số liệu mới đây được lãnh đạo Bộ Công Thương công bố cho biết, dự kiến cả năm 2020, PVN khai thác 8,8 triệu tấn dầu thô. Nếu giá dầu năm nay trung bình chỉ 30 USD/thùng thì doanh thu của PVN sẽ giảm khoảng 2,4 tỷ USD và nộp ngân sách giảm khoảng 800 triệu USD.

Trong bối cảnh Chính phủ tăng cường đẩy mạnh đầu tư công khoảng 700 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2019, để bù đắp sự sụt giảm từ đầu tư của doanh nghiệp và tư nhân do chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, việc thu từ dầu nói chung sẽ khiến cân đối ngân sách khó khăn hơn, làm tăng thâm hụt ngân sách, nợ công…

Đáng chú ý, dù ngân sách bội thu hơn 100 nghìn tỷ đồng trong năm 2019, nhưng số “thặng dư” này có phần đóng góp từ những nguồn thu không ổn định như nhập khẩu ôtô, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ đạt 54% kế hoạch đề ra…

Như vậy, khi ngân sách gặp khó vì nguồn thu sụt giảm (trong đó có sụt giảm từ đóng góp của các nguồn thu từ dầu), vòng luẩn quẩn vay để bù đắp bội chi, đảo nợ và trả nợ gốc có nguy cơ lại hình thành.

Mắc kẹt trong tình trạng vay nợ để đảm bảo chi tiêu khiến không gian tài khoá thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó trong dịch Covid-19 bị thu hẹp, sức ép với điều hành ngân sách của Việt Nam đang rõ dần ở mức độ khó khăn hơn hẳn.

Theo Đời sống
back to top