Ghép thận không đơn giản là tìm được người cho tương thích

Ghép thận là một quá trình phức tạp, từ việc tìm được người cho tương thích đến các điều kiện về sức khỏe, tiên lượng sống, có hệ thống hỗ trợ xã hội hoặc gia đình hiệu quả...

Để có khả năng được ghép thận, bệnh nhân cần có các điều kiện sau: Bệnh thận tiến triển, không hồi phục, mức lọc cầu thận < 15ml/ph/1,73m2; Không có bệnh lý ác tính đang hoạt động hoặc bệnh nhiễm trùng; Không có bệnh toàn thân khác gây hạn chế nghiêm trọng việc phục hồi chức năng sau ghép; Tiên lượng sống trên 5 năm; Có hệ thống hỗ trợ xã hội hoặc gia đình hiệu quả; Sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu điều trị và theo dõi.

Người nhận và hiến thận phù hợp phải dựa trên sự tương hợp miễn dịch ghép

Tương hợp HLA: Đây là yếu tố quan trọng liên quan đến đời sống mảnh ghép do liên quan đến số lượng HLA không tương hợp (mismatchs). Các phenotype của HLA-A, HLA-B, HLA-C, HLA- DR, HLA- DQ nên được làm trên người nhận và người cho thận.

Đọ chéo (cross matching): Để tránh thải ghép tối cấp, xét nghiệm này cần được thực hiện trước khi tiến hành ghép. Nó phát hiện kháng thể có sẵn trong huyết thanh người nhận chống lại tế bào lympho T người hiến. Bệnh nhân ghép thận có nguy cơ là người có kháng thể đặc hiệu chống lại người hiến, hình thành khi mang thai, truyền máu hay lần ghép trước đó. Đọ chéo tế bào T dương tính là chống chỉ định ghép thận. Đọ chéo tế bào B dương tính thường do nhiều nguyên nhân, quyết định tùy từng trường hợp dựa trên tình trạng kháng thể, bệnh sử miễn dịch của bệnh nhân.

ghep-than-1.jpg
Ghép thận không đơn giản là tìm được người cho tương thích

Kháng thể kháng HLA đặc hiệu có trước ghép: Hình thành do trước đây có truyền máu, mang thai hoặc ghép tạng. Sự xuất hiện kháng thể này là yếu tố nguy cơ quan trọng khi người nhận có kháng thể đặc hiệu kháng lại HLA người cho ghép thận, có thể gây thải ghép tối cấp và cấp. Bệnh nhân tiền mẫn cảm có nồng độ kháng thể quá ngưỡng hay % PRA (tỷ lệ phần trăm kháng thể phản ứng) cao có bất lợi lớn hơn so với người không mẫn cảm do khó chọn người cho và bị tác động bất lợi cho sự sống còn mảnh ghép.

Khi xuất hiện kháng thể kháng HLA đặc hiệu người hiến hoặc đọ chéo dương tính ở bệnh nhân bị mẫn cảm là chống chỉ định ghép trừ khi họ được chuẩn bị protocol giải mẫn cảm.

Tránh bị mẫn cảm: Bệnh nhân đã từng ghép thận từ người cho tương hợp kém mà bị suy thận do thải ghép sẽ trở thành người bị mẫn cảm. Bệnh nhân này sẽ có nguy cơ cao và khó khăn cho việc ghép lại. Vấn đề đặt ra là cần tránh bị mẫn cảm ở bệnh nhi hoặc người trẻ tuổi (do nhu cầu ghép lại) với những kháng nguyên HLA thường gặp trong cộng đồng. Do đó, ở lần ghép đầu cần tránh nhận thận từ người cho có kháng nguyên này. Ngược lại, nguy cơ bị mẫn cảm không phải vấn đề lớn ở các cặp ghép lớn tuổi, lần hai.

Tương hợp nhóm máu ABO: Cần tránh bất tương hợp kháng nguyên nhóm máu ABO giữa người cho và người nhận, nhất là người hiến sống. Tuy nhiên, do hiện nay đã có phương pháp lọc bỏ kháng thể và một số thuốc chống tế bào B, một số trung tâm ghép trên thế giới đã ghép thành công bất tương hợp nhóm máu ABO.

Quá trình đánh giá bệnh nhân

Khi được chuyển đến trung tâm cấy ghép, bệnh nhân được đánh giá bởi nhân viên nhóm ghép. Đánh giá tham khảo ý kiến với các thành viên của nhóm cấy ghép bao gồm bác sĩ, bác sĩ phẫu thuật, các chuyên gia thích hợp từ các chuyên ngành khác nếu lâm sàng yêu cầu.

Trong quá trình đánh giá, bệnh nhân và gia đình nhận được thông tin bằng văn bản và hình ảnh về cấy ghép trong đó nêu rõ: Quá trình cấy ghép; Tùy chọn chương trình; Rủi ro và lợi ích (cả người hiến tặng còn sống và người được ghép đã chết); Chế độ dùng thuốc; Điều chỉnh lối sống; Hiệu quả của cấy ghép đối với các điều kiện y tế hiện có; Kết quả ngắn hạn và dài hạn.

Bệnh nhân nằm trong danh sách chờ ghép cần được theo dõi thường xuyên bao gồm xét nghiệm tim và sàng lọc virus, cập nhật thông tin cho trung tâm ghép để xem xét bệnh nhân tùy thuộc vào tình hình lâm sàng của họ.

 Chống chỉ định tuyệt đối: Bệnh ác tính tiến triển; Tình trạng hô hấp nặng; Bệnh tim thiếu máu cục bộ nặng; Bệnh mạch máu ngoại biên nặng; Xơ gan; Suy giảm nhận thức nghiêm trọng; Nghiện ma túy hoặc nghiện rượu; Bệnh nhân không tuân thủ điều trị...

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top