Ghép gan cho hai bệnh nhi dưới 10kg

(khoahocdoisong.vn) - Cả hai bệnh nhân đều có bệnh gan giai đoạn cuối do các biến chứng nặng của bệnh teo đường mật bẩm sinh có nguy cơ tử vong đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi TƯ hồi sinh nhờ ghép gan từ bố, mẹ.

Hai ca ghép đầy kỳ tích nhờ vào những nỗ lực đầy tuyệt vời của ê kíp gây mê, phẫu thuật và hồi sức sau mổ của Bệnh viện Nhi Trung ương với sự giúp đỡ của GS Chin-su Liu cùng các cộng sự đến từ bệnh viện Veterans General – Đài Loan.

Ghép gan là biện pháp duy nhất để cứu trẻ

Trong hai ngày 24 đến 26/2/2020, trong thời điểm phải căng thẳng chống chọi với dịch Covid-19 đang bùng phát, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công hai ca ghép gan cho hai bệnh nhi nhỏ tuổi. Cả hai bệnh nhân đều có bệnh gan giai đoạn cuối do các biến chứng nặng của bệnh teo đường mật bẩm sinh có nguy cơ tử vong.

Ca phẫu thuật lấy gan từ người mẹ để ghép cho con

Ca phẫu thuật lấy gan từ người mẹ để ghép cho con

Bệnh nhân ghép ngày 24/02/2020 là bé THA (nữ, 20 tháng tuổi, 9.5kg, quê Phú Thọ). Bệnh nhân ghép ngày 26/02/2020 là bé TGB (nam, 9 tháng, 7.5kg, ở Quảng Ngãi).

Cả hai bệnh nhân đều mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Đây là dị tật bẩm sinh nặng của hệ thống đường mật, gây tổn thương đường mật trong và ngoài gan, khiến sự dẫn mật bị ứ trệ và gây hậu quả xơ gan mật và các biến chứng nặng nề, bệnh nhi có thể tử vong do xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc hôn mê gan.

TS.BS Cao cấp Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật cho biết: Cả hai bệnh nhân đều có tình trạng xơ gan nặng mất bù và có nhiều các biến chứng nặng đe dọa tử vong như xuất huyết tiêu hóa do ăng áp lực tĩnh mạch cửa, nhiễm trùng đường mật tái diễn, suy chức năng gan…

Thực hiện ghép gan cho bệnh nhi

Thực hiện ghép gan cho bệnh nhi

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã hội chẩn và đưa ra quyết định ghép gan là biện pháp duy nhất có thể cứu sống bệnh nhân. 

 GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Ghép gan là phẫu thuật khó, ghép gan cho trẻ em là phẫu thuật đặc biệt khó khăn do cấu trúc giải phẫu phức tạp, tình trạng bệnh nền nặng, yêu cầu trình độ cao về phẫu thuật, gây mê hồi sức và chăm sóc trước trong và sau mổ. Cả nước hiện chỉ có 3 bệnh viện: Bệnh viện Nhi đồng 2, Vinmec, Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi đã thực hiện thành công những ca ghép gan trên trẻ em, đặc biệt là các ca ghép khó như ghép gan ở trẻ em nhỏ, trẻ có cân nặng thấp, ghép gan từ người cho không phù hợp nhóm máu… Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là nơi có số lượng bệnh nhi lớn nhất được ghép”.

Vượt qua mọi thử thách để hồi sinh cuộc sống

Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành ghép gan cho hai bệnh. Cả hai trường hợp này được nhận gan từ bố mẹ đẻ của mình, trong đó bé THA nhận gan từ mẹ (29 tuổi), bé TGB nhận gan từ bố (29 tuổi).

Phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện Nhi TƯ

Phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện Nhi TƯ

TS.Bs Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa và Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết, khó khăn nhất với trường hợp bệnh nhi THA nằm ở bất thường giải phẫu gan của người mẹ cần các kỹ thuật tạo hình mạch máu.

Ca bệnh thứ hai - bé TGB, 9 tháng tuổi có khó khăn hơn do mức độ xơ gan nặng, tĩnh mạch cửa (một tĩnh mạch cấp máu quan trọng cho gan) bị xơ hẹp. Trong mổ các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa. Trong khi đó, bên phía người cho cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép.

Ở trẻ nhỏ, một khó khăn khác là khẩu kính động mạch gan rất nhỏ, chỉ 2mm. Các bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để nối hai đầu động mạch.

Ca mổ đầu tiên diễn ra trong 9 giờ và ca thứ hai kéo dài hơn, khoảng 10 giờ. Tình trạng sau mổ tạm thời ổn định, bệnh nhân đã được chăm sóc tích cực sau phẫu thuật và hiện được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Gan Mật – Trung tâm Tiêu hóa, Gan Mật và Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Khánh Chi (Bệnh viện Nhi T.Ư)

Theo Đời sống
back to top