GFS – Tham vọng “dẫn đầu” trên đất thuê ngắn hạn 

(khoahocdoisong.vn) - ​​​​​​​Tham vọng trở thành tập đoàn hàng đầu của Việt Nam. Nhưng GFS là doanh nghiệp nào, và đang nỗ lực “dẫn đầu” theo cách gì?

Sau mù mờ, là nhân văn

Trong thông tin tại web site, Tập đoàn GFS giới thiệu doanh nghiệp này được “cổ phần hóa năm 2005 từ một doanh nghiệp nhà nước (thành lập năm 1997) tới nay Tập đoàn GFS có 12 công ty thành viên, hoạt động trong 3 lĩnh vực đầu tư mũi nhọn: Tài chính, Xây dựng, Năng lượng, và một số lĩnh vực đầu tư thương mại, gồm cả Bất động sản, Khoa học - công nghệ, Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao”.

Tuy nhiên, tìm kiếm theo nhiều cách, vẫn không thể biết danh tính thật của Tập đoàn GFS. Trong kho dữ liệu đăng ký kinh doanh quốc gia, hiện không có thông tin của doanh nghiệp được đăng ký với tên Tập đoàn GFS. Căn cứ theo giới thiệu “cổ phần hóa năm 2005 từ một doanh nghiệp nhà nước (thành lập năm 1997)”, có thể hiểu GFS là hệ thống gồm 12 doanh nghiệp, với Công ty CP Quan hệ Quốc tế Đầu tư Sản xuất  (CIRI) là trung tâm, công ty này sở hữu cổ phần lớn, chi phối tại nhiều doanh nghiệp còn lại trong nhóm. 

Bỏ qua lời giới thiệu về hệ thống đầy kín đáo và mù mờ ấy, GFS tuyên bố tầm nhìn của công ty là trở thành tập đoàn đầu tư có uy tín, đẳng cấp và chuyên nghiệp “hàng đầu tại Việt Nam”,với 3 hoạt động mũi nhọn. Gồm bất động sản, khoa học - công nghệ, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. 

Công ty này cũng tuyên bố sứ mệnh hoạt động đầy nhân văn. Cụ thể là “gia tăng giá trị cho xã hội và cộng đồng” với sứ mệnh vì nhân viên, vì cổ đông, vì khách hàng, và vì cộng đồng. Với các giá trị cốt lõi gồm sự “chân thành, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ, sáng tạo vượt trội”. Trong một giới thiệu khác, GFS khẳng định: Luôn trân trọng quan hệ giữa con người với con người, giữa doanh nghiệp và các đối tác. “Cùng hợp tác, cùng sáng tạo và cùng chia sẻ để vươn tới thành công” là tôn chỉ hoạt độngmà công ty tuyên bố.

Hiện, cùng với vận hành hệ thống 12 công ty, GFS thể hiện định hướng đầu tư vào khoa học, hạ  tầng và nông nghiệp công nghệ cao. Bằng chứng là GFS đã hợp tác với công ty Kiến Công Hồ Nam của Trung Quốc trong xây dựng hạ tầng, thiết bị đường sắt. Đồng thời đầu tư một số dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Và thành lập Viện nghiên cứu nông nghiệp trực thuộc. GFS cũng khẳng định khát vọng “biến Việt Nam thành vườn dược liệu của thế giới”. 

Theo GFS, hiện đến 90% doanh thu của công ty đến từ bất động sản, 10% từ các lĩnh vực khác. Công ty này cho biết đã thực hiện nhiều dự án bất động sản như chung cư Five Star Garden, khu nhà phố thương mại Five Star Mỹ Đình, đang đầu tư, triển khai một số dự án như Five Star Westlake, Five Star Cầu Giấy, Five Star An Khánh… đều tại Hà Nội. 

Tuy nhiên, công ty này khẳng định đang thực hiện chiến lược chuyển hướng sang khoa học, nông nghiệp công nghệ cao, với mục tiêu dự kiến tới năm 2025, nông nghiệp sẽ chiếm đến 70% doanh thu của công ty.

Tại sao lại là nông nghiệp ?

Một ngày tháng 8/2016, UBND TP Hà Nội phát công văn, với nội dung cho phép Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội góp vốn cùng 2 pháp nhân khác thành lập Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội - GFS. Cùng với sự cho phép này, UBND thành phố Hà Nội cũng cho ý kiến về việc sử dụng tài sản trong việc góp vốn này. 

Theo đó, 2 cổ đông pháp nhân trong Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS có trách nhiệm “hỗ trợ” (trích nguyên văn) Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội 48 tỷ đồng. Hiện chưa rõ việc hỗ trợ 48 tỷ đồng này là cho vay, hay tài trợ không hoàn lại. Đổi lại, Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội - GFS được tổ chức sản xuất kinh doanh tại các tài sản của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội. 

Năm 2019, web site GFS ghi nhận Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS là một trong 12 công ty thành viên của mình. Hai cổ đông ngay từ đầu đã nắm 60% vốn điều lệ của Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS cũng đều là thành viên của GFS. Đó là Công ty CP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất, và Công ty CP Văn hóa phẩm và Bao bì Hà Nội. Điều đó có nghĩa, ngay từ khi thành lập, UBND thành phố Hà Nội – cơ quan sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trực thuộc – đã chấp nhận làm cổ đông thiểu số tại Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS. 

Chưa bàn tới Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS đã sử dụng các tài sản công được bàn giao như nào. Nhưng tại huyện Đan Phượng của Hà Nội, doanh nghiệp này đang là trung tâm trong một dự án có nhiều điểm mù mờ. Theo đó, không hiểu lo ngại trách nhiệm gì, UBND huyện Đan Phượng đồng ý ủy quyền cho UBND xã Liên Trung đứng ra ký hợp đồng, cho Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS thuê 20 ha đất tại khu vực đất bãi giữa, thuộc hành lang thoát lũ sông Hồng, với thời gian thuê là 20 năm. 

UBND xã Liên Trung cho biết, trước khi ký hợp đồng với xã, Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS đã cùng UBND xã họp với 370 hộ dân có đất (được cấp sổ đỏ) trong vùng dự án, để đề nghị cho doanh nghiệp thuê lại đất làm nông nghiệp công nghệ cao. Có 364 hộ dân đã đồng ý cho thuê đất, với giá 700.000 đồng/năm/sào”.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hộ dân trong khu vực dự án không đồng ý cho Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS. Sau đó, các hộ này phản ảnh bị gây sức ép để (buộc phải) giao đất cho Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS. Hiện, công ty này đã tiến hành một số hoạt động xây dựng trên diện tích đất bãi giữa được nhận bàn giao từ xã Liên Trung. 

Cùng với kiểu thuê đất tương tự, Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội – GFS cũng đang triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thanh Đa, huyện Mê Linh, Hà Nội có diện tích 70ha. Hay dự án lớn tại Hoà Bình. Bên cạnh đó là diện tích 130 ha triển khai dự án cây dược liệu tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Mục đích thực sự của GFS khi liên doanh với công ty nhà nước của Hà Nội để làm doanh nghiệp ngành nông nghiệp, các tài sản tại công ty này, và các dự án nông nghiệp khác đang được khai thác sử dụng như nào…. Đó là những nội dung KH&ĐS sẽ thông tin chi tiết trong một bài viết khác. 

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top