Gãy chỏm xương quay sẽ khó sấp ngửa cẳng tay

Gãy chỏm xương quay sẽ ảnh hưởng tới chức năng sấp, ngửa cánh tay và gấp, duỗi khuỷu. Bởi chỏm xương quay tạo với lồi cầu xương cánh tay thành khớp lồi cầu – quay và với đầu trên xương trụ thành khớp quay.

Gãy chỏm xương quay có thể để lại nhiều biến chứng.

Gãy chỏm xương quay thường do chấn thương gián tiếp như khi ngã chống tay, khuỷu duỗi (loại gãy này hay gặp nhất), lồi cầu xương cánh tay thúc mạnh vào chỏm quay gây ra gãy xương. Đây là loại gãy hay gặp ở cả người lớn và trẻ em, chiếm khoảng 20% các tổn thương vùng khuỷu. Biến chứng thường gặp là hạn chế vận động khớp khuỷu và sấp ngửa cẳng tay.

Bệnh nhân khi bị gãy chỏm xương quay có triệu chứng sưng nhiều ở phía ngoài khuỷu di lệch lớn làm khuỷu tay vẹo ra ngoài, bất lực vận động gấp, duỗi khớp khuỷu, sấp, ngửa cẳng tay. Khi sờ nắn thấy đau chói ở chỏm quay. Khi bác sĩ gây tê có thể sờ thấy lạo xạo xương, chụp xquang đầu trên 2 xương cẳng tay 2 tư thế thẳng và nghiêng để chẩn đoán xác định đặc điểm gãy và di lệch để chọn phương pháp điều trị tốt nhất. Nếu bệnh nhân gãy ít di lệch hoặc không di lệch thì diễn biến tốt và chức năng trở lại bình thường.

Bệnh nhân cần được sơ cứu, cấp cứu ban đầu bằng cách giảm đau toàn thân hoặc gây tê tại ổ gãy, cố định. Khi gãy có di lệch thì được nắn chỉnh bằng đinh steinmann nhỏ xuyên qua da tới chỏm quay để nắn chỉnh, bó bột cánh tay – bàn tay, để bột 6 – 7 tuần.

Nếu trường hợp gãy cổ xương quay, gãy xương đơn giản có di lệch ở người lớn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mổ kết xương bằng găm đinh hoặc bắt vít nhỏ. Đối với gãy thành nhiều mảnh, nếu có điều kiện thì mổ lấy bỏ chỏm quay, thay chỏm nhân tạo để tránh bị lệch vẹo khuỷu.

PGS.TS Trần Đình Chiến

(Bệnh viện 103)

Theo Đời sống
back to top