Gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự trong ASEAN, nhưng tỷ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam là cao nhất. Đặc biệt, thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu không phải từ thuế tăng một cách tương đối trong cơ cấu thu ngân sách. Điều này cho thấy gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn.
 

Gánh nặng thuế cao

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố kết quả nghiên cứu “Phân tích cấu trúc, xu hướng và gánh nặng thuế tại Việt Nam”. PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trưởng nhóm Nghiên cứu cho biết, tốc độ tăng thu thuế là tương đương với tốc độ tăng của GDP. Kể từ năm 2011, tỷ lệ thuế trên GDP của Việt Nam ổn định ở mức xung quanh 18%. Từ năm 2006, tỷ trọng thu thuế trong tổng thu ngân sách của Việt Nam giữ vững ở mức trên 80%. Ngoại trừ trong vài năm gần đây, tỷ trọng này giảm xuống còn 75% do thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu không phải từ thuế tăng một cách tương đối trong cơ cấu thu ngân sách.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm từ 25% (năm 2008) xuống còn 22% năm (2013) và 20% (năm 2016), so mức thuế suất thuế TNDN trung bình đối với các nước Đông Nam Á giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống 21,7% vào năm 2020. Như vậy, ở Việt Nam, thuế TNDN giảm cả về số thu và tỷ trọng trong thu thuế và thu ngân sách nhà nước, từ 27,9% (2013) xuống còn 13,58% (2017). Tuy nhiên, số liệu ước tính năm 2018 và 2019 của Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách từ thuế TNDN có xu hướng tăng trở lại.

Như vậy, thuế TNDN vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất mặc dù đang có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân chính đó là việc áp dụng ngày càng nhiều các ưu đãi thuế cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ở Việt Nam được hoàn thiện từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và dù tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu ngân sách. Tổng thu thuế TNCN tăng từ mức 5.000 tỷ đồng (2006) lên mức 109,4 nghìn tỷ đồng (2019). Tỷ trọng TNCN trong tổng thu ngân sách nhà nước cũng tăng từ gần 2% (2006) lên mức 7,05% (2019). Tuy nhiên, các hộ gia đình phải đóng thuế TNCN là không nhiều. Thu nhập, chi tiêu trên đầu người và gánh nặng thuế phí đều tập trung ở hai khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.

Đáng chú ý là gánh nặng thuế cao hơn, tính theo tỷ lệ trên thu nhập, không phải là khu vực chung quanh Hà Nội và TPHCM, mà là Khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khi phần lớn thu nhập trong gia đình đến từ nữ giới, hộ thường có thu nhập, chi tiêu nhiều hơn và thường chịu gánh nặng thuế nhiều hơn.

Các chuyên gia phân tích về thuế tại Hội thảo.

Các chuyên gia phân tích về thuế tại Hội thảo.

Thuế GTGT là nguồn chiếm từ 50 - 60% tổng số thu của thuế gián thu trong giai đoạn 2006 – 2019. Ở Việt Nam, vai trò của thuế GTGT càng trở nên quan trọng hơn khi lợi nhuận từ các loại thuế thương mại giảm đi do tham gia vào các hiệp định thương mại trong khu vực cũng như thế giới. Hiện có ba mức thuế suất VAT được áp dụng đối với các hàng hóa chịu thuế là 0%, 5% và 10%. Thuế suất 0% được áp dụng với hàng hóa xuất khẩu. Những hàng hóa dịch vụ mà người dân thường hay sử dụng (có thể được coi là hàng hóa thiết yếu) được áp dụng mức thuế 5%. Thuế giá trị gia tăng đã và vẫn đang là nguồn thu lớn nhất của ngân sách nhà nước, chiếm 30,6% tổng thu thuế và 24,7% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 (tăng so với tương ứng 23% và hơn 19% năm 2006).

So sánh về tỷ trọng giữa thu thuế và GDP của Việt Nam với các nước ASEAN, theo PGS.TS Phạm Thế Anh: “Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự trong ASEAN, nhưng tỉ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam là cao nhất. Điều này cho thấy gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn và cần có sự thay đổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng”.

Thuế tài sản vẫn vướng luật

Liên quan đến gánh nặng thuế, một vấn đề được nhiều chuyên gia tranh luận là thuế tài sản. Ông Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu thế giới) thắc mắc tại sao thuế tài sản mang lại nguồn thu cho ngân sách các nước khá lớn nhưng ở Việt Nam lại vẫn khó thực hiện.

Lý giải về loại thuế này, TS Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam chưa có thuế tài sản nhưng đã đánh một số loại thuế liên quan tới tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp... Trong vòng 10 năm qua, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo thuế tài sản và thảo luận vấn đề này nhưng vẫn chưa ban hành được.

Theo thống kê, ở Việt Nam có một số loại thuế có chức năng giống với thuế tài sản gồm: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (có 3 mức thuế suất 0,03% với đất nằm trong hạn mức, 0,07% với diện tích đất vượt hạn mức không quá ba lần và 0,15%); Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Lệ phí trước bạ đối với nhà, đất, súng, tàu, thuyền, máy bay, mô tô và ô tô các loại (mức thu phổ thông là 2%, đặc biệt đối với nhà và đất là 0,5%, với tàu thuyền là 1%; Ô tô dưới 10 chỗ ngồi có thể bị đóng phí trước bạ ở mức 10% đến 20%). Tuy nhiên, nguồn thu từ các loại thuế này chỉ đóng góp vào ngân sách một phần rất nhỏ.

TS Nguyễn Ngọc Tuyến cũng thông tin thêm rằng, Bộ Tài chính từ 2011 - 2020 đã có dự thảo và thảo luận nhưng chưa ban hành được vì thuế tài sản là thuế cổ xưa nhất của các loại thuế. Loại thuế lớn nhất là đánh vào đất đai nhưng ở Việt Nam không dễ thu vì thiếu sự đồng bộ giữa các bộ luật. Ví dụ, Luật Đất đai quy định giá đất do Nhà nước ban hành để làm căn cứ xác định giá tính thuế trong hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi. Tuy nhiên, giá nhà đất lại do thị trường quyết định là chính. Cũng 1m2 đất ở Hà Nội có nơi là 2 tỷ đồng, có nơi 1 tỷ đồng nhưng khung giá UBND TP Hà Nội lúc cao nhất khoảng 200 triệu đồng. Vậy thì căn cứ vào đâu để tính thuế?

TS Nguyễn Ngọc Tuyến dẫn chứng thêm một vướng mắc về thu nhập đánh thuế. Cụ thể là trường hợp được hưởng một căn biệt thự do ông bà để lại có giá trị lên tới mấy trăm tỷ nhưng thu nhập chỉ có 10 triệu đồng/tháng. Vậy đánh thuế trên cái nhà 100 tỷ đồng ấy như thế nào khi thu nhập không đủ để đánh thuế. Chính vì vậy, cho đến nay, việc ban hành luật Thuế tài sản vẫn chưa thể thực hiện.

 
Theo Đời sống
back to top