Gan nhiễm mỡ, ăn gì cho khỏe?

Gan nhiễm mỡ tuy không phải bệnh ác tính nhưng nếu như để lâu ngày có thể gây ra ung thư gan. Vì vậy, nếu bị gan nhiễm mỡ cần phải lên kế hoạch ăn uống thật hợp lý để cứu lấy bộ phận vô cùng quan trọng này.

Nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ thực chất là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan do nhiều nguyên nhân. Uống nhiều rượu dẫn đến rối loạn chức năng gan. Do dinh dưỡng: ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất béo, hấp thu quá nhiều đường, thói quen ngồi nhiều, ít vận động, căng thẳng, di truyền nếu trong gia đình có nhiều người bị béo phì. Do nội tiết, tiểu đường và yếu tố miễn dịch. Sử dụng thuốc độc chất dẫn đến tế bào gan bị hủy hoại.

Bình thường lượng mỡ chiếm khoảng 3 - 5% trọng lượng của gan. Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ khi lượng mỡ trong gan chiếm 5 - 10%, nếu 10 - 25% là nhiễm mỡ mức độ vừa và nếu vượt quá 30% là nhiễm mỡ nặng. Mức độ gan nhiễm mỡ cũng phụ thuộc vào bệnh chính gây ra và việc tuân thủ chế độ điều trị bệnh.

Gan nhiễm mỡ, ăn gì cho khỏe? - ảnh 1

Lá sen giảm mỡ máu, giảm béo và chống sự tích tụ mỡ trong tế bào gan, có thể nấu nước uống hoặc nấu cháo lá sen.

Dấu hiệu nhận biết gan nhiễm mỡ

Giai đoạn đầu: Vì tình trạng lắng đọng mỡ gan xảy ra từ từ nên giai đoạn đầu đa phần đều không có dấu hiệu rõ rệt. Chỉ khi đi siêu âm, xét nghiệm máu hoặc chụp cắt lớp mới phát hiện được. Tuy nhiên, một số trường hợp gan nhiễm mỡ có thể gặp các dấu hiệu như: mệt mỏi, đau tức hoặc nặng vùng gan.

Giai đoạn sau: sẽ có các dấu hiệu: đau bụng, vàng da, nôn và buồn nôn. Lúc này, bệnh gan nhiễm mỡ đã tiến triển nặng và quá trình điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn.

Nên ăn những loại thực phẩm nào?

Ăn nhiều rau củ quả: đây là những thực phẩm lý tưởng cho người bệnh gan nhiễm mỡ vì có tác dụng hạ cholesterol trong máu và tế bào gan (mỗi ngày mỗi người nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi). Một số thực phẩm được xem là thuốc có tác dụng giảm mỡ như: đậu Hà Lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, tỏi, bắp chuối, nấm hương, chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín, trà xanh, lá sen, hoa hòe, hoa atiso...

Cụ thể như: Nấm hương chứa nhiều chất làm giảm lượng cholesterol trong máu và tế bào gan; Lá sen: giảm mỡ máu, giảm béo và chống sự tích tụ mỡ trong tế bào gan, dùng để uống hoặc nấu cháo lá sen; rau cần: chứa nhiều vitamin, tác dụng mát gan, hạ cholesterol, thúc đẩy quá trình bài tiết các chất thải và làm sạch huyết dịch; Ngô: chứa nhiều acid béo không no, có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển hóa của chất béo nói chung và cholesterol nói riêng. Những loại rau tươi như cải xanh, cải cúc, rau muống... những loại quả như cà chua, mướp đắng, dưa gang, dưa chuột... có công dụng giải nhiệt làm mát gan, thanh nhiệt...

Dầu thực vật: Người bệnh gan nhiễm mỡ nên kiêng mỡ động vật và thay vào đó là nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu tương (trừ dầu dừa)... Những loại dầu này chứa nhiều acid béo không no có tác dụng làm giảm cholesterol.

Ăn chất vừa phải (1g/kg cân nặng/ngày).

Gan nhiễm mỡ, ăn gì cho khỏe? - ảnh 2

Rau cần chứa nhiều vitamin giúp mát gan, hạ cholesterol, thúc đẩy quá trình bài tiết...

Những thực phẩm cần hạn chế

Các thực phẩm giàu cholesterol như các loại phủ tạng động vật, da động vật, lòng đỏ trứng. Hạn chế chất béo và mỡ động vật trong bữa ăn hàng ngày. Có như vậy mới làm giảm lượng mỡ trong máu, lượng mỡ vận chuyển qua gan giảm, qua đó giảm gánh nặng cho gan. Thay vì mỡ động vật, người bệnh nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu ô liu,...

Hạn chế gia vị cay nóng: như gừng, tỏi, ớt, hồ tiêu, cà phê. Không chỉ những thực phẩm liên quan đến động vật mà những gia vị thông thường hằng ngày này cũng được xếp vào danh sách kiêng cữ đối với người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Người bệnh cần cẩn thận khi sử dụng vì những gia vị này cay và nóng sẽ làm gan chúng ta “không khỏe”.

Không uống rượu bia, chất kích thích

Đặc biệt người bệnh gan nhiễm mỡ phải kiêng rượu bia. Khi bị bệnh mà người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu, bia sẽ làm quá trình chuyển đến xơ gan và ung thư gan nhanh hơn rất nhiều. Đồng thời khi uống bia, rượu gan phải hoạt động nhiều hơn để đào thải các chất độc hại ở trong bia rượu ra khỏi cơ thể. Người bệnh cần đặc biệt kiêng bia rượu để việc điều trị bệnh nhanh có kết quả nhất.

Lời khuyên thầy thuốc

Trong quá trình điều trị bệnh, bên cạnh tuân thủ chế độ dinh dưỡng có kiểm soát thì bệnh nhân cần tránh những công việc áp lực cao và việc nặng nhọc, nên nghĩ ngơi xả hơi và rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, giữ cân nặng ở mức chuẩn và hỗ trợ điều trị để có hiệu quả cao. Nên dành khoảng thời gian nhất định trong ngày để tập môn thể dục thể thao hợp lý nhất với cơ thể của mình như yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe hay khiêu vũ...

Theo songkhoe.vn
back to top