Game NFT: Vàng thau lẫn lộn, rủi ro pháp lý

Năm 2017 game NFT bắt đầu lên cơn sốt trên toàn cầu. Giờ đây, hàng triệu người chơi đã thành lập các hội nhóm, rủ nhau chơi các tựa game NFT. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như Axie Infinity, My Crypto Heroes... Trong khi NFT đang trở thành nguồn thu nhập của nhiều game thủ, nhiều người lại cho rằng đây chỉ là một hình thức "lùa gà" kiểu mới.

Game NFT là gì?

NFT (non-fungible token) là "một chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, được sử dụng để ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm". Độ phổ biến của NFT đã "vượt qua sự ồn ào của Covid-19" trở thành từ khóa của năm 2021 theo Collins.

NFT có thể là một tài sản kỹ thuật số trong một trò chơi, một tác phẩm nghệ thuật sưu tầm được, thậm chí là một vật thể trong thế giới thực như bất động sản.

Game NFT là trò chơi điện tử được xây dựng và phát triển trên nền tảng blockchain. Mỗi game sẽ có một nền kinh tế và một token (đồng tiền) riêng. Người chơi khi tham gia có thể kiếm được các phần quà có giá trị dưới dạng NFT. Điều đặc biệt và thu hút người chơi là tiền tệ, vật phẩm trong NFT có thể quy đổi ra tiền thật thông qua các sàn giao dịch với giá trị rất cao. Theo một thống kê gần đây nhất, người chơi Axie Infinity trung bình có thể kiếm được 30 - 40 triệu đồng/tháng. Một con số trong mơ của nhiều game thủ.

Đã có nhiều trường hợp các game thủ bán được các lô đất ảo trên sàn Decentraland thu về hàng nghìn USD. Hoặc người chơi có thể mua đường đua xe trong game F1 Delta Time dưới dạng blockchain, lúc đó game thủ sẽ kiếm lợi nhuận từ vé vào cửa hoặc từ các cuộc đua diễn ra trên đường đua mà mình đã mua. Sau đó có thể mang số NFT kiếm được bán trên các giao dịch và thu về tiền thật. Nó không khác gì một hình thức kinh doanh ngoài đời thật.

Cẩn trọng rủi ro pháp lý

Tại Việt Nam, sau khi game Axie Infinity của các nhà sáng lập người Việt đạt đến đỉnh về cả giá trị vốn hóa (có lúc vượt mốc 9 tỷ USD) với hơn 2 triệu người chơi trên toàn thế giới. Thị trường Việt Nam gần như đã trở thành “cái nôi” bùng nổ làn sóng phát triển game NFT cùng với kế hoạch phát hành mã tiện ích nhằm thu hút đầu tư.

Axie Infinity – Tựa game của người Việt rất Hot hiện nay (ảnh: minh họa)

Tiếp nối sự thành công của Axie Infinity, các dự án game NFT ra mắt rầm rộ và được quảng cáo công khai trên các trang mạng xã hội dưới vỏ bọc “công nghệ Blockchain”.

Theo ghi nhận của phóng viên, bản chất của việc chơi những dạng game NFT hiện nay không hề khó, không đòi hỏi người chơi phải bỏ nhiều công sức. Đơn thuần chỉ là hoàn thành các nhiệm vụ khá dễ dàng trong game và nhận về cho mình những phần thưởng. Người chơi coi việc chơi game để kiếm tiền là chính chứ không hề mang tính giải trí như các game truyền thống.

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, chị Nguyễn Thy (TPHCM) một người có nhiều kinh nghiệm trong thị trường cho biết: “Phải ở lâu trong thị trường mới có thể nhận biết được các dự án game nào được coi là tiềm năng và có sức hút lâu dài. Còn đa phần các dự án game chỉ quảng bá rầm rộ thu hút nhà đầu tư lúc đầu, Nếu nhà đầu tư Fomo theo rất có thể sẽ dính phải các dự án Scam khiến game thủ chưa thể hoàn vốn mà tiền đầu tư đã bay xa”.

“Ở thị trường này vàng thau lẫn lộn, lừa đảo không biết bao nhiêu mà kể xiết. Với những nhà đầu tư mới may mắn thì chọn được game tốt có thể kiếm lời. Hơn nữa số tiền thu được từ game cũng phụ thuộc vào việc giá cả lên xuống của thị trường. Nếu không thanh khoản nhanh, khi dự án đổ vỡ nhà đầu tư cũng có thể mất trắng số tiền đã bỏ vào”, chị Thy cho biết thêm.

Không những vậy, nhà đầu tư còn gặp những rủi ro về mặt pháp lý khi đầu tư tại thị trường này. Hiện tại pháp luật Việt Nam vẫn chưa thừa nhận và bảo hộ cho các giao dịch liên quan đến Crypto, nếu không may vướng phải những dự án Scam, hoặc bị lừa đảo thông qua hình thức này thì cũng rất khó để có thể lấy lại.

Do vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền, cần tìm hiểu kỹ các dự án từ đội ngũ phát triển cho đến tính minh bạch của từng dự án để tránh ôm phần rủi ro về mình.

Pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng, đầy đủ để điều chỉnh các hoạt động mua bán cũng như đầu tư đối với tiền ảo; còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra vẫn chưa thể giải quyết. Tiền ảo đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường này là vô cùng lớn khi không được pháp luật bảo hộ.

Do vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các quyết định đầu tư với tiền ảo nói chung và Game NFT nói riêng để tránh các rủi ro về pháp lý cũng như tài chính cho mình.

Luật sư Vũ Nguyệt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top